Nhiều "ông lớn" thua lỗ nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu dịch Covid-19 kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch.
 


Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Theo báo cáo, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) là doanh nghiệp (DN) chịu thiệt hại nặng nề nhất do phải dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Trong 3 tháng đầu năm 2020, VNA lỗ 2.383 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, DN này ước lỗ 19.651 tỉ đồng. Đầu năm 2020, VNA đã cạn lượng tiền dự trữ, dòng tiền của DN dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm nay.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng than lỗ. Trong quý I/2020, DN ước lỗ 572 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, ước lỗ 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2020 nếu dịch kéo dài đến quý IV. Theo Ủy ban, quý I, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.


 

Vietnam Airlines ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Vietnam Airlines ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19



Thiếu hụt nguồn cung, xuất khẩu bị hạn chế là những khó khăn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tập đoàn này ước lỗ 187 tỉ đồng trong quý I/2020. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu giảm khoảng 10.000 tỉ đồng, ước lỗ 4.379 tỉ đồng.

Tương tự, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) dự kiến cả năm 2020 doanh thu giảm 700-1.000 tỉ đồng so với kế hoạch và lỗ 694-935 tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng giảm doanh thu bán điện do sụt giảm sản lượng điện cho công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến doanh thu về khoáng sản giảm khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam ước lỗ 140 tỉ đồng...

Triển khai ngay các gói hỗ trợ

Trong báo cáo, Ủy ban kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, đồng thời được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ. Bên cạnh đó, xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các DN vận tải.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban đề xuất sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng. "Riêng VNA cần được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng, bắt đầu từ tháng 4-2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho DN" - Ủy ban đề nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng VNA cũng như các DN khác đang gặp khó về dòng tiền. "Do vậy, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng của ngân hàng, Chính phủ cần sớm có chính sách bơm tiền trực tiếp cho DN nhằm gia tăng tính thanh khoản, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh" - ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định và kiến nghị bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng để DN có thể vay vốn ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.


 


Kiến nghị miễn, giảm thuế với DN GTVT

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét miễn, giảm một số loại thuế đối với DN trong ngành GTVT.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài.

Với DN vận tải nội địa, Bộ GTVT kiến nghị miễn giảm thuế giá trị gia tăng trong 3 năm. Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5%.

D.Ngọc



Theo Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm