Điều gì khiến HAGL Agrico của bầu Đức lỗ ròng 2.308 tỷ đồng năm 2019?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc hoàn tất thủ tục giải thể công ty Đầu tư Cao su Đông Âu và chịu khoản lỗ 993 tỷ đồng là một trong những yếu tố khiến HAGL Agrico dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) lỗ ròng 583 tỷ đồng trong quý IV/2019, luỹ kế năm 2019 lỗ ròng hơn 2.308 tỷ đồng.
 
Mũi nhọn cây ăn trái tới nay vẫn chưa thể mang về "quả ngọt" cho doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức - PV).
Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tiếp tục trải qua một quý kinh doanh kém vui với kết quả lỗ ròng hơn 583 tỷ đồng trong quý IV/2019.
Theo đó, doanh thu thuần của HAGL Agrico giảm 43% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 534 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến doanh thu thuần tại doanh nghiệp của bầu Đức sụt giảm non nửa so với năm 2018 được xác định do doanh thu từ hoạt động bán trái cây, vốn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico giảm hơn 50%, chỉ còn gần 322 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ bán mủ cao su cũng giảm 30% xuống 154 tỷ đồng.
Theo lý giải của HAGL Agrico trong các báo cáo trước đó, doanh thu hai mảng kinh doanh vừa nêu sụt giảm do tình trạng mưa lớn tại Lào vào tháng 9/2019 khiến 1.500 ha vườn cây bị ngập lụt. Trong đó, 1.200 ha diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và 300 ha diện tích cây ăn trái khác, chủ yếu là cây mít đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái.
Hiện tại, vườn cây ăn trái đang được xác định là ưu tiên trong quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Trần Bá Dương. Bởi bên cạnh những thông tin về mối quan hệ hợp tác giữa HAGL và Thaco được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, quan sát khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL Agrico cũng sẽ dễ dàng nhận ra, chỉ duy nhất chi phí phát triển vườn cây ăn trái tiếp tục tăng trưởng, còn chi phí phát triển vườn cây cao su, vườn cây cọ dầu, nhà máy cọ dầu, nhà xưởng và văn phòng nông trường đều có xu hướng thu hẹp dần trong khoảng thời gian 1 năm qua.  
Còn trong quý IV/2019, doanh nghiệp của bầu Đức tiếp tục không còn hợp nhất doanh thu từ Công ty Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên sau khi đã chuyển nhượng cổ phần cho công ty con của tỷ phú Trần Bá Dương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không còn doanh thu từ ớt, bò thịt và bất động sản.
Hai mảng kinh doanh khác của HAGL Agrico là bán vật tư nông nghiệp và sản phẩm dịch vụ khác ghi nhận doanh thu không đáng kể, lần lượt là 61 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng.
Trong bối cải hoạt động kinh doanh chính tiếp tục đi xuống, còn chi phí giá vốn hàng bán dù được tiết giảm đáng kể nhưng vẫn cao doanh thu thuần đã khiến lợi nhuận gộp của HAGL Agrico trong quý IV/2019 âm 38 tỷ đồng.
Tiếp đó, những nỗ lực tái cơ cấu nợ vay của bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương dù đã giúp chi phí lãi vay của HAGL Agrico giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2018, song chi phí tài chính của doanh nghiệp lại tăng khoảng 50% lên 227,4 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của HAGL Agrico giảm đến 99% so với cùng kỳ năm 2018 và khoản lỗ khác được ghi nhận ở mức 215 tỷ đồng. Một sự kiện khác được ghi nhận trong BCTC quý IV/2019 là việc HAGL Agrico hoàn tất thủ tục giải thể công ty Đầu tư Cao su Đông Âu và chịu khoản lỗ 993 tỷ đồng là một trong những yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khoản lỗ được ghi nhận vào mục chi phí khác trên báo cáo tài chính.
Kết quả, doanh nghiệp của bầu Đức lỗ ròng lên hơn 583 tỷ đồng trong quý IV/2019. Luỹ kế cả năm 2019, HAGL Agrico đạt doanh thu thuần 1.811 tỷ đồng, thực hiện được 38% kế hoạch năm 2019. Còn lỗ ròng của doanh nghiệp là hơn 2.308 tỷ đồng.
 
Mối quan hệ hợp tác giữa ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Trần Bá Dương ngày càng khăng khít.
Một điểm đáng lưu ý với doanh nghiệp của bầu Đức là dòng tiền kinh doanh âm tới 2.959,7 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho tăng hơn 67% lên 2.006 tỷ đồng thông qua tăng chi phí sản xuất và kinh doanh dở dang cho hoạt động sản xuất, hoạt động xây dựng và tăng thành phẩm. Tuy nhiên, tiền mặt cuối kỳ của doanh nghiệp vẫn tăng từ 72,4 tỷ đồng lên 111,4 tỷ đồng nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 5.750 tỷ đồng.
Điểm tích cực trong BCTC của HAGL Agrico là dư nợ vay tính đến thời điểm 31/12/2019 đã giảm hơn 6.000 tỷ đồng, chỉ còn 9.204,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn 4.654,5 tỷ và dài hạn 4.550 tỷ đồng. Ngoài khoản nợ vay ngân hàng, HAGL Agrico hiện nợ ngắn hạn công ty mẹ (HAGL) 1.878,5 tỷ, Thaco hơn 897 tỷ và nợ dài hạn HAGL 649 tỷ, Thaco hơn 805 tỷ đồng.
Trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của HAGL Agrico dù âm 2.752 tỷ đồng, song số tiền trả nợ gốc vay của doanh nghiệp đã gia tăng đáng kể từ mức 3.471 tỷ đồng của năm 2018 lên 7.905 tỷ đồng trong năm 2019.
Nguyên Phương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm