Thu hút đầu tư: Bước đột phá ấn tượng - Kỳ cuối: Kỳ vọng bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù công tác thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng song trong thực tế vẫn còn những khó khăn, tồn tại khiến số lượng dự án đầu tư được triển khai chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, hàng loạt giải pháp đã được đề ra nhằm tạo bước đột phá mới trong thu hút đầu tư.
Những tồn tại cần tháo gỡ
Sự năng động của lãnh đạo tỉnh cùng các cơ chế chính sách thông thoáng, hấp dẫn cũng vẫn chưa thể làm cho hoạt động thu hút đầu tư được hoàn toàn thuận lợi. Thực tế đã có nhiều dự án bị chậm triển khai do gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc về thủ tục... Có thể kể tới như dự án khu dân cư SH-Land (số 63-65 đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Sơn Hải làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 70.140 m2, bao gồm 368 lô đất và các công trình tiện ích với tổng mức đầu tư 109,3 tỷ đồng. Dự kiến, dự án đi vào hoạt động từ tháng 10-2018 nhưng do chưa xác định được nguồn gốc đất nên không thể hoàn thành theo kế hoạch.
  Nhà máy chế biến nước uống thảo dược của Trường Sinh Group. Ảnh: H.D
Nhà máy chế biến nước uống thảo dược của Trường Sinh Group. Ảnh: H.D
Tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 25-7-2018 của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Bossco được lựa chọn là nhà đầu tư để thực hiện dự án tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới (số 51 đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP. Pleiku) có tổng mức đầu tư 116,8 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá trị nhà đầu tư phải nộp là giá do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không thấp hơn 71,3 tỷ đồng. Ngày khởi công dự án không quá 30 ngày kể từ ngày UBND TP. Pleiku bàn giao toàn bộ khu đất cho nhà đầu tư và thời gian hoàn thành không quá 24 tháng. Tuy nhiên, dự án này không thể đáp ứng được yêu cầu tiến độ.
Ông Phạm Tấn Nghĩa-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có những bất cập và vướng mắc từ các văn bản luật khác nhau đã ảnh hưởng đến thủ tục đăng ký dự án và quá trình triển khai thực hiện dự án. “Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, việc bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư gây bất lợi cho nhà đầu tư khi dự án không được chấp thuận”-ông Nghĩa phân tích.
Cũng theo ông Nghĩa, ở điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm các dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, luật lại không nêu rõ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khoảng thời gian nhất định hay toàn bộ thời gian thuê đất. Do đó, việc xác định hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trên địa bàn.
Một thực tế nữa cũng gây khó trong công tác thu hút đầu tư là quy hoạch chưa theo kịp thực tế nên nhiều dự án muốn triển khai được phải điều chỉnh quy hoạch, tốn thêm nhiều thời gian. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng như việc đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn, thực hiện chưa đồng bộ, dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư chậm. Thời gian qua, nhiều dự án như khu nhà ở xã hội Trà Đa, khách sạn Hùng Vương, khách sạn Hoàng Nhi, đường Lý Tự Trọng nối dài, đường 17-3 nối dài, dự án hạ tầng suối Hội Phú... bị chậm trễ là bởi những vướng mắc như trên.
Hướng đến phát triển nền kinh tế xanh
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Kể từ năm 2019, tỉnh hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, nghĩa là sẽ tập trung thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp hữu cơ và dự án năng lượng tái tạo”. Theo đó, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu thế tất yếu, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi đã được tỉnh ứng dụng vào quy trình sản xuất trên địa bàn như: công nghệ lai tạo giống cây trồng, công nghệ nuôi cấy mô thực vật, các công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trồng hồ tiêu, cà phê theo hướng hữu cơ sinh học. Tỉnh cũng sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư đối với các dự án hướng đến phát triển nền kinh tế xanh, thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi kinh tế với môi trường, kiên quyết từ chối những dự án gây ảnh hưởng đến môi trường dù dự án có mức đầu tư lớn hay mang lại nguồn lợi kinh tế cao.
Nơi đầu tư trồng tiêu của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Nơi đầu tư trồng tiêu của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh đó, sự tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh tới cộng đồng các nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước cũng hứa hẹn một tương lai phát triển đột phá khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có các tập đoàn kinh tế quốc tế đến đặt vấn đề được đầu tư trong ngành chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo. Sự đột phá trong công tác thu hút đầu tư chắc chắn sẽ dẫn tới sự phát triển đột phá về kinh tế-xã hội của tỉnh khi nguồn thu tăng lên, giải quyết được việc làm cho người lao động tại chỗ, nhất là người dân tộc thiểu số, chưa kể tới sự hỗ trợ của nhà đầu tư đối với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, chúng ta càng tin tưởng sẽ có kết quả mang tính đột phá đó khi Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã cam kết: “Tập thể lãnh đạo tỉnh quyết tâm tận dụng hết tiềm năng cũng như dư địa phát triển để hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành với các nhà đầu tư đến với Gia Lai. Tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước