Mobifone và hành trình 1 năm đi vay lãi về mua AVG

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
AVG lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn tăng vốn điều lệ và được định mức giá “trên trời” để bán. Mobifone thậm chí còn phải đi vay lãi 1.700 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.
Bị cáo Lê Nam Trà - người xin chủ trương cho Mobifone đầu tư truyền hình.
AVG nợ đầm đìa
Ngày 16/12 tới, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone.
Theo truy tố, Mobifone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng do nhà nước đầu tư toàn bộ, có Hội đồng thành viên (HĐTV) là đại diện chủ sở hữu. Năm 2015, bị cáo Lê Nam Trà được giữ chức thành viên HĐTV kiểm Tổng GĐ Mobifone.
Cty CP nghe nhìn toàn cầu AVG được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào năm 2008. Đến ngày 31/12/2014, AVG có vốn điều lệ 2.150 tỷ đồng với người đại diện theo pháp luật là Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ.
Tình hình kinh doanh của AVG khá “bết bát” khi từ 2010 – 2015, lỗ lũy kế lên tới hơn 1.634 tỷ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ. Đến ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 1.963 tỷ đồng, chiếm 54% vốn điều lệ.
Từ 2/1/2016, AVG được chuyển giao cho Mobifone và đã thay đổi tên, biểu tượng truyền hình An Viên thành MobiTV. Từ đó đến nay, AVG vẫn luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính do công nợ lớn, không huy động được vốn vay, không hợp tác xã hội hóa được, không thoái được vốn 2 doanh nghiệp ngoài ngành
Trước khi bán cổ phần cho Mobifone, AVG còn thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phần một cách “thần tốc”. Cụ thể, ngày 13/1/2015, HĐQT của AVG họp và ra quyết định tăng chào bán cổ phần; thông báo cho các cổ đông về số cổ phần được mua.
Ngày 19/1/2015, HĐQT AVG thống nhất kết quả bán cổ phần và đăng ký tăng vốn điều lệ. Cùng ngày, các cổ đông của AVG chuyển tiền, hoàn thành việc mua bán và thông báo nội dung đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ từ 2.150 tỷ đồng lên 3.628 tỷ đồng.
Trong đó, Phạm Nhật Vũ nắm 55,5%; bà Hoàng Thanh Hằng có 15,83%; bà Nguyễn Thùy Trang nắm 8,83%; ông Nguyễn Thái Duy Dương chiếm 2,34%; Cty CP An Viên chiếm tỷ lệ 19,78%...
Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã được cảm ơn 3 triệu USD sau thương vụ.
Thổi giá lên trời
Mobifone từng có ý định đầu tư mảng truyền hình hoặc mua lại một Cty kinh doanh và cung cấp dịch vụ truyền hình sẵn có. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Bắc Son – khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã giới thiệu, định hướng cho Lê Nam Trà thực hiện đầu tư truyền hình bằng cách mua cổ phẩn của AVG.
Ngày 27/1, Lê Nam Trà xin Bộ TT&TT phê duyệt chủ trương cho Mobifone đầu tư truyền hình bằng cách mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Sau đó, liên tiếp trong các ngày 3 và 6/2/2015, Phạm Đình Trọng – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) có phiếu trình, văn bản đồng ý đề nghị của Mobifone dù không yêu cầu lập dự án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.
Thậm chí, AVG và Mobifone chưa hề thảo luận việc mua bán nhưng ông Trọng đã viết trong phiếu trình nội dung: “AVG đã trao đổi, làm việc với Mobifone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho Mobifone”.
Bị cáo Trọng cũng đề xuất Mobifone và AVG không thông tin, tuyên truyền giao dịch này và đưa giao dịch vào danh mục “Mật” của Nhà nước. Bị cáo Trương Minh Tuấn đồng ý việc này và gửi văn bản sang Bộ Công an để thống nhất.
Sau khi được đồng ý mua AVG, Mobifone đã thuê Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định giá. VCBS cho rằng giá trị doanh nghiệp của AVG tại thời điểm tháng 3/2015 là hơn 24.548 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do VCBS không có chức năng thẩm định giá nên Mobifone thuê tiếp Cty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá AMAX xác định giá trị AVG. Kết quả, AMAX cho rằng AVG có giá thấp nhất 16.565 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Nhiều lãnh đạo có trách nhiệm
Sau đó, Mobifone và AVG đã gặp nhau 5 lần để đàm phán giá mua. Ngoài ra, Phạm Nhật Vũ và ông Nguyễn Bắc Son cũng liên hệ với nhau qua 211 cuộc điện thoại, 345 tin nhắn để trao đổi tiến độ và thúc đẩy thương vụ. Qua đây, các bên thống nhất Mobifone sẽ mua 95% cổ phần của AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng.
Số tiền này được Mobifone trả trong vòng 19 ngày bằng cách rút trước hạn các hợp đồng tiền gửi và đặc biệt là vay lãi 1.700 tỷ đồng từ ngân hàng Vietinbank. Tất cả việc mua bán trên được hoàn tất trong tháng 1/2016, tức là tròn 1 năm kể từ khi bị cáo Lê Nam Trà xin phê duyệt chủ trương.
Theo điều tra, Mobifone đã mua cổ phần của AVG khi chưa được Thủ tướng đồng ý chủ trương; chưa thẩm định, đánh giá hiệu quả đầu tư… gây thiệt hại 6.590 tỷ đồng. Số thiệt hại này được tính bằng cách lấy 8.445 tỷ đồng trừ đi giá trị thực của AVG là 1970 tỷ đồng, ra con số 6.475 tỷ đồng. Mobifone cũng bị thiệt hại thêm hơn 115 tỷ đồng tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi bị rút trước hạn.
Số tiền Mobifone thiệt hại cũng là tiền các cổ đông của AVG được lợi. Qua đây, Phạm Nhật Vũ đã “cảm ơn” Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500 nghìn USD.
Cơ quan truy tố khẳng định trách nhiệm vụ án thuộc về Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Nhật Vũ và các bị cáo khác trong vụ. Ngoài ra, một số lãnh đạo của Mobifone cũng có trách nhiệm liên quan như ông Bùi Sơn Nam – Phó Tổng GĐ, Nguyễn Văn Vinh – nguyên Phó Tổng GĐ, Phan Tuấn Anh – Trưởng ban Tài chính, Lê Văn Thơ – Kế toán trưởng…
Những người này bị xác định có những sai phạm nhất định theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tính chất, mức độ sai phạm của họ chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xuân Ân (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.