CATECKA: Sau chè đến lượt cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc nâng tầm thương hiệu chè Bàu Cạn (CATECKA) có hàng trăm năm nay, từ năm 2017, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã đầu tư sản xuất gần 400 ha cà phê theo quy trình VietGAP, áp dụng công nghệ chế biến cà phê ướt hiện đại. Nhờ đó, sản phẩm cà phê CATECKA của Công ty đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Sản xuất cà phê VietGAP
Năm 2017, sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đã mời các chuyên gia về đánh giá chất lượng vườn cây và cơ hội phát triển sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Công ty bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ gần 400 ha cà phê của mình để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê CATECKA. 
Mỗi khi bước vào vụ chăm sóc mới, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đều hợp đồng với Trung tâm Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản vùng 2 (TP. Đà Nẵng) tư vấn chuyển giao ứng dụng quy trình quản lý, thực hành sản xuất cà phê an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, Công ty và Trung tâm tập trung kiểm tra chất lượng đất sản xuất, nguồn nước tưới; hướng dẫn các hộ nhận khoán hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ trong quá trình canh tác. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở từng lô cà phê được đảm bảo; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất thuận lợi. Năng suất các vườn cà phê của Công ty cũng ổn định và tăng qua từng năm.
  Cà phê sau khi thu hoạch được phơi trong hệ thống nhà kính. Ảnh: N.D
Cà phê sau khi thu hoạch được phơi trong hệ thống nhà kính. Ảnh: N.D
Gia đình ông Nguyễn Cao Đình Hưng-cán bộ Công ty-nhận khoán sản xuất 1,7 ha cà phê theo quy trình VietGAP. Ông Hưng cho hay: “Tham gia sản xuất cà phê theo quy trình VietGAP, chúng tôi được Công ty cung cấp đầy đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Nhờ đó, mỗi vụ thu hoạch, sản lượng cà phê của gia đình đều đạt trên 15 tấn tươi/ha, sau khi phơi khô và chế biến được khoảng 3,5 tấn nhân/ha”. Cũng theo ông Hưng, sản xuất theo quy trình VietGAP rất hữu ích, vừa bảo vệ môi trường vừa giúp vườn cây phát triển bền vững.
Cũng là hộ nhận khoán vườn cà phê, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn) cho hay: “Gia đình nhận khoán 1 ha cà phê vối của Công ty từ năm 2009, hiện đang sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài định mức đầu tư của Công ty, gia đình còn đầu tư thêm trong quá trình chăm sóc vườn cây nên năng suất rất ổn định. Bình quân mỗi vụ thu hoạch, sau khi nộp khoán cho Công ty, gia đình hưởng lợi 10-13 tấn cà phê tươi. Nếu giá cà phê thuận lợi thì mỗi vụ, gia đình thu lợi nhuận khoảng vài chục triệu đồng”.
Đầu tư công nghệ chế biến hiện đại
Đồng thời với việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích cà phê, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê ướt công nghệ cao, xây dựng hệ thống nhà kính, sân phơi bê tông… Cà phê sau khi thu hoạch được chế biến ướt rồi phơi trên những sân bê tông trong nhà kính giúp đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được ký kết hợp đồng bao tiêu với giá trị tăng thêm 15-20 ngàn đồng/kg nhân, cao hơn so với cà phê sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Ông Đặng Trường Sanh-Giám đốc Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn-cho biết: Với gần 400 ha cà phê sản xuất theo quy trình VietGAP, mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước 300-450 tấn cà phê nhân. Sản phẩm được sản xuất và quản lý trên từng lô rất nghiêm ngặt. Hàng năm, Ban An toàn thực phẩm của Công ty phối hợp với Trung tâm Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản vùng 2 kiểm tra đánh giá định kỳ. “Để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng cao, Công ty đang áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005 và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Sản phẩm của Công ty được hợp đồng bao tiêu nên không lo đầu ra”-ông Sanh thông tin thêm.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm