Đường về tay doanh nhân Ngô Nhật Phương của 'ông lớn' dược phẩm Pharbaco

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hai lần tăng vốn liên tiếp, tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Pharbaco giảm nhanh từ 77,55% về còn vỏn vẹn 14,25%. Đáng lưu ý là việc giảm tỷ lệ này không được đấu giá công khai - vốn là phương thức mang lại lợi ích lớn nhất cho ngân sách.
Trụ sở Pharbaco tại ngã ba Tôn Đức Thắng - Phan Văn Trị, Quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: XT
Tìm nhà đầu tư chiến lược
CTCP Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm I (1954-1993) rồi Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I (1993-2007) trực thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (nay là Tổng công ty Dược Việt Nam - Vinapharm), trước khi được cổ phần hóa và lấy tên là CTCP Dược phẩm Trung ương I - Phabarco vào đầu năm 2007, vốn điều lệ là 49 tỷ đồng.
Với 65 năm lịch sử, Pharbaco là thương hiệu dược phẩm có truyền thống lâu đời bậc nhất ở Việt Nam. Từ sau cổ phần hóa (2007), Pharbaco tiếp tục tăng trưởng ổn định, với doanh thu tăng 2,4 lần trong giai đoạn 7 năm, từ 283 tỷ đồng năm 2008 lên 668 tỷ đồng năm 2014.
Dù vậy, hiệu quả kinh doanh lại là một vấn đề lớn với Pharbaco, khi mà lợi nhuận hằng năm chỉ quanh quẩn vài tỷ đồng, thấp nhất là 1,4 tỷ đồng năm 2013 và đạt đỉnh 12,4 tỷ đồng năm 2011. Nâng cao lợi nhuận là bài toán không dễ có lời giải với ban lãnh đạo Pharbaco, trong bối cảnh ngành dược đang cạnh tranh gay gắt và bắt buộc phải liên tục đổi mới dây chuyền khoa học công nghệ.
Năm 2011, Pharbaco phát hành thêm 2,45 triệu cổ phần với giá 12.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 73,5 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn khá khiêm tốn và HĐQT Pharbaco không ít lần đặt vấn đề tìm kiếm nhà đầu tư để gia tăng nguồn nội lực. 
Quan điểm của ban lãnh đạo Pharbaco trở nên rõ hơn vào năm 2014 khi Báo cáo thường niên năm đó thể hiện định hướng của HĐQT sẽ là: "Đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, khả năng quản trị, khả năng phát triển sản phẩm, thị trường trong và người nước".
"Đề nghị Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT tiếp tục đàm phán, lựa chọn phương án, đối tác để phát hành cổ phần tăng vốn. Sau khi có kết quả sơ bộ sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét, quyết định", Báo cáo thường niên có đoạn.
 
Việc trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương theo như Báo cáo thường niên Pharbaco có chăng chỉ là thủ tục, bởi cổ đông lớn nhất và cũng là công ty mẹ của Pharbaco khi đó là Vinapharm (100% vốn Nhà nước) chiếm tới 77,55% cổ phần. Và quan điểm của ĐHĐCĐ cũng chính là quan điểm của HĐQT mà các thành viên là người đại diện phần vốn của Vinapharm.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được thực hiện rốt ráo ngay trong năm sau đó (2015), với 3/5 Nghị quyết của HĐQT xoay quanh vấn đề này, gồm Nghị quyết số 10 ngày 6/4/2015 có nội dung bổ sung tờ trình ĐHĐCĐ thường niên về việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn từ 73,5 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng; Nghị quyết số 11 ngày 13/8/2015 về thông qua phương án lựa chọn nhà đầu tư và Nghị quyết số 12 ngày 13/11 thông qua tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Appollo và doanh nhân Ngô Nhật Phương
Ngày 4/1/2016, HĐQT Pharbaco có Nghị quyết số 01 chính thức thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược là CTCP Appollo - công ty của doanh nhân Ngô Nhật Phương. Nhờ đó, Appollo trở thành chủ sở hữu mới của Pharbaco với tỷ lệ 59,17%, trong khi vốn Nhà nước, thông qua Vinapharm chỉ còn vỏn vẹn 31,6%, dưới cả ngưỡng phủ quyết 36% theo Điều lệ công ty.
Đầu tư vào Pharbaco chừng một năm rưỡi, doanh nhân Ngô Nhật Phương đầu tháng 7/2017 bất ngờ thông qua tờ Thanh Niên cho biết đã lỗ 140 tỷ đồng trong thương vụ này và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Pharbaco cho CTCP Sài Gòn Pharma, Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, một đối tác nước ngoài và 9 cổ đông khác tại Việt Nam.
Nguyên nhân thoái vốn được doanh nhân sinh năm 1961 chia sẻ là bởi: “Tôi không phải là người làm trong ngành dược, nhưng được một số bạn bè thân hữu rủ rê kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy từ nhiều năm qua, thị trường dược dành cho doanh nghiệp trong nước hết sức nhỏ bé mặc dù tiềm năng với mức tăng trưởng hơn 20%. Bảo hiểm Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với ngành dược để có những chính sách tổng thể phù hợp...”.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương xuất hiện trong phiên toàn VN Pharma với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Dù vậy, những diễn biến tại Pharbaco lại không như những gì ông Ngô Nhật Phương tuyên bố, khi ba nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, CTCP Sài Gòn Pharma và Công ty TNHH Reliv Pharma tháng 3/2017 đã chia nhau mua trọn 22 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Pharbaco và cùng với Appollo của ông Ngô Nhật Phương nắm tổng cộng 76,6% cổ phần cựu công ty con của Vinapharm. Appollo không hề rút vốn tại Pharbaco, và tất nhiên, bản thân doanh nhân năm nay 58 tuổi không những không thoái lui, mà còn đảm trách Giám đốc "Điều hành, tái cơ cấu nhân sự, đầu tư và kiện toàn hoạt động sản xuất" trong năm 2017 để rồi nắm luôn ghế Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Pharbaco giữa năm 2018.
Cuối năm 2018, ĐHĐCĐ Pharbaco tiếp tục thông qua phương án phát hành 55 triệu cổ phần để tăng vốn lên 950 tỷ đồng. Trong đó Appollo đăng ký mua 34,12 triệu cổ phần, hai đối tác quen thuộc là Dược phẩm Huy Cường và Sài Gòn Pharma muốn mua lần lượt 5 triệu cổ phần và 10,88 triệu cổ phần, trong khi CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê - một pháp nhân có liên hệ cũng mua 5 triệu cổ phần. Kế hoạch tăng vốn được thay đổi chút ít khi theo danh sách được ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 ngày 25/6 thông qua không còn nhà đầu tư Dược phẩm Huy Cường, số vốn dự kiến huy động cũng giảm về còn 500 tỷ đồng. 

Tính tới thời điểm hiện nay, dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện Pharbaco chưa hoàn tất tăng vốn lên 900 tỷ đồng.


Sau đợt tăng vốn năm 2017, tỷ lệ sở hữu Nhà nước thông qua Vinapharm co về 14,25%, và nếu như đợt phát hành 50 triệu cổ phần được tiến hành, phần vốn của Vinapharm sẽ chỉ còn lại 6,3%.
Đây có thể coi như quá trình cổ phần hóa lần hai của Pharbaco. Sau khi được tư nhân hóa gần như hoàn toàn, doanh thu của Pharbaco tăng trưởng nhanh chóng, từ 637 tỷ đồng năm 2016 lên gấp đôi - 1.215 tỷ đồng năm 2018. Dù vậy, hiệu quả hoạt động, thông qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn thậm chí còn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước, khi chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 300 triệu đồng năm 2016, 3,1 tỷ đồng năm 2017, 3,3 tỷ đồng năm 2018 trước khi về còn 400 triệu đồng nửa đầu năm 2019.
Xét theo phương diện này, thì mục tiêu của ban lãnh đạo Pharbaco khi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược năm 2015, xem ra khó có thể coi là thành công. 
Hơn nữa, việc thoái vốn Nhà nước tại Pharbaco cũng đồng thời đưa ra nhiều băn khoăn về tính minh bạch, khi tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ chi phối về thiểu số chỉ trong thời gian rất ngắn mà không được đấu giá công khai theo Luật 69/2014 cũng như Nghị định 91/2015. Giá phát hành trong hai đợt 2016 và 2017 cũng khá "nhẹ nhàng", chỉ ở mức 12.000 đồng/CP và 10.000 đồng/CP. 
Về góc độ lợi ích của Nhà nước, với việc giá trị vốn góp của Vinapharm cho tới nay vẫn giữ nguyên (57 tỷ đồng), thì dù mất quyền chi phối, song Ngân sách thực tế không thu về được một đồng nào sau quá trình tư nhân hóa Pharbaco. Đây là nghịch lý rất cần được làm sáng tỏ. 
Để có thông tin khách quan, Nhadautu.vn đã liên hệ với Tổng giám đốc Vinapharm Đinh Xuân Hấn, người vào thời điểm bán cổ phần chi phối cho Appollo đầu năm 2016 là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Pharbaco.
Ông Hấn khẳng định việc thoái vốn tại Pharbaco hoàn toàn minh bạch, được thực hiện theo chỉ đạo và hướng dẫn của công ty mẹ Vinapharm. "Đây là bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thì không cần đấu giá", ông Hấn cho hay. Trước câu hỏi căn cứ pháp lý nào cho việc chỉ định nhà đầu tư chiến lược là Công ty Appollo mà không thực hiện qua hình thức đấu thầu, Tổng giám đốc Đinh Xuân Hấn đề nghị PV làm việc với Vinapharm và cáo bận, cúp máy.
Tổng giám đốc Vinapharm Đinh Xuân Hấn khẳng định việc thoái vốn nhà nước khỏi Pharbaco là minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật
Nguy cơ vướng vòng lao lý
Cái tên Ngô Nhật Phương nổi lên vừa qua khi doanh nhân này tham gia phiên tòa vụ án thuốc ung thư giả VN Pharma với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại tòa, ông Phương nhiều lần khẳng định lô thuốc chữa ung thư H-Capita không phải thuốc giả và được sản xuất tại Ấn Độ, đồng thời cung cấp nhiều tài liệu quan trọng để chứng minh cho luận điểm này.
Việc tham gia phiên tòa VN Pharma và đưa ra nhiều chứng cứ có lợi cho phía bị cáo lẫn Bộ Y tế mang tới không ít nghi ngờ vị này có mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo VN Pharma cũng như lãnh đạo cơ quan chuyên ngành. Doanh nhân quê Lương Tài, Bắc Ninh sau đó đã phủ nhận tin đồn này.
Trước khi tòa tuyên án (1/10), Viện Kiểm sát ngày 30/9 bất ngờ kiến nghị "điều tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước", trong đó nhắc đến việc ông Phương nộp "tài liệu mật" cho cơ quan điều tra và tòa trước khi Bộ Y tế giải mật.
Trả lời báo chí chiều 1/10, ông Phương khẳng định kiến nghị của Viện Kiểm sát là hoàn toàn vô căn cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của ông. "Các tài liệu tôi có về lô thuốc H-Capita không liên quan đến tài liệu Bộ Y tế, mà do cơ quan chức năng Ấn Độ cung cấp", ông Phương nhấn mạnh.
Infonet (Theo Nhadautu)

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.