Tiếp tục thúc tiến độ cổ phần hóa: Năm 2020, nhiều "ông lớn" sẽ phải rút vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chính phủ vừa công bố danh sách 93 doanh nghiệp lớn với vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ phải thực hiện cổ phần hóa trong thời gian đến hết năm 2020. Các chuyên gia cho rằng, cùng với gỡ các “nút thắt” cổ phần hóa, cần có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu cố tình chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2020 nhiều ông lớn nhà nước sẽ phải cổ phần hóa Ảnh: Như Ý
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong danh mục này quy tụ nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ nhiều nghìn tỷ đồng như: Vinacomin, Agribank, MobiFone, Vicem, Vinachem, Satra, Saigontourist, VNPT.
Theo danh mục các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa được phê duyệt, Nhà nước chỉ nắm giữ 65% vốn điều lệ trở lên tại 4 doanh nghiệp lớn là Agribank, Vinacomin, Vinafood 2,  Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên- Huế (Humexco). Trong số 62 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ có các tên tuổi như: Vicem, Vinacafe, MobiFone, VNPT, Vinachem, Handico, UDIC, BenthanhGroup, Satra, Saigontourist …
Theo kế hoạch, Nhà nước chỉ giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc bán hết cổ phần tại 27 doanh nghiệp như: Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2).
Về cơ cấu, TPHCM có số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa nhiều nhất với 38 doanh nghiệp, đứng sau là Hà Nội với 13 doanh nghiệp...
Số doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn nhiều nhất tập trung tại “siêu” Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (6 doanh nghiệp), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (3 doanh nghiệp), Bộ Công Thương (2 doanh nghiệp), Bộ Xây dựng (2 doanh nghiệp), Bộ Y tế (2 doanh nghiệp).
Để đảm bảo tiến độ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định.
Các đơn vị sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần. Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xử lý người đứng đầu DN chậm cổ phần hóa
Tại cuộc tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm tiến độ, nhiều trường hợp có nguyên nhân từ sự thiếu quyết tâm, còn tâm lý e ngại của những người đứng đầu. Các chuyên gia cũng đề nghị trong thời gian tới, cần thực hiện nghiêm việc xử lý với cả người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hóa và người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, thoái vốn chậm do bên cạnh thể chế, còn nhiều lỗ hổng trong chính sách, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là những vướng mắc trong quản lý đất đai. “Vướng mắc nhất bây giờ là phương án sử dụng đất. Đất đai đối với doanh nghiệp nhà nước  là một quá trình từ mấy chục năm nay, tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải xử lý. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại trong việc thực hiện cổ phần hóa, còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa. Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ do cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều lỗ hổng, chưa rõ ràng. Vì vậy, vai trò và sự quyết liệt của người đứng đầu doanh nghiệp hết sức quan trọng”, ông Long nói.
Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Phạm Đức Trung cho rằng, ngay từ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu xử lý người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020. Các Chỉ thị nhấn mạnh xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hóa.Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chúng ta chưa xử lý người đứng đầu nào không hoàn thành cổ phần hóa theo tiến độ. Đây là lý do khiến những người đứng đầu không cảm thấy e ngại.
“Về giải pháp đã có nhiều rồi, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế thì chúng ta thấy hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý, đây có thể là lý do khiến các cá nhân nằm trong bộ phận nhỏ trên cản trở tiến trình cổ phần hóa không cảm thấy e ngại. Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của doanh nghiệp mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa”, ông Trung nói.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Cụ thể, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp nhà nước, đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Phạm Tuyên (TP)

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước