Công ty M.D.C Cao Nguyên: Giấc mơ thương hiệu nước ép chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tận dụng lợi thế về vùng nguyên liệu chanh dây sẵn có trên địa bàn và gia tăng giá trị cho mặt hàng này, Công ty cổ phần M.D.C Cao Nguyên (TP. Pleiku) đã đầu tư sản xuất nước ép chanh dây đóng chai cấp đông. Bước đầu, sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực.
Khi còn công tác trong ngành Kiểm lâm, anh Dương Ngọc Nghĩa đã luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chăm sóc rẫy của gia đình. Trong quá trình sản xuất, anh nhận thấy việc bán thô sản phẩm không mang lại giá trị lớn khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường với điệp khúc “được mùa-mất giá” thường xuyên diễn ra. Do đó, nếu muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp thì phải đi vào lĩnh vực chế biến sâu. Chính vì vậy, anh đã ấp ủ ý tưởng chế biến nông sản để cho ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. 
 Sản phẩm nước ép chanh dây của Công ty M.D.C Cao Nguyên được nhiều người quan tâm.   Ảnh: V.T
Sản phẩm nước ép chanh dây của Công ty M.D.C Cao Nguyên được nhiều người quan tâm. Ảnh: V.T
Anh Nghĩa cho biết, ban đầu, trên diện tích đất rẫy của gia đình, anh trồng cà phê, hồ tiêu. Sau khi hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, anh chuyển dần diện tích sang trồng sầu riêng, bơ, mít, đồng thời trồng xen chanh dây trong vườn cà phê. Thấy trồng xen chanh dây mang lại hiệu quả, anh đã bàn bạc với gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích loại cây này lên 15 ha và xây dựng mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình này, anh đã nghiên cứu rất nhiều về máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất nước ép chanh dây rồi bắt tay vào làm thử. Sau nhiều tháng thử nghiệm, anh đã thu được thành công. Sản phẩm nước ép chanh dây của anh có mặt trên thị trường và được khách hàng đón nhận. Đến tháng 6-2019, anh quyết định nghỉ hẳn công việc trong ngành Kiểm lâm để ra ngoài thành lập Công ty cổ phần M.D.C Cao Nguyên do anh làm Tổng Giám đốc.
Từ những kiến thức đã học được, anh tìm tòi, tự đúc rút cách làm riêng cho mình. Sản phẩm nước ép chanh dây được sản xuất hoàn toàn bằng máy móc từ công đoạn làm sạch vỏ, ép và đóng chai. Theo anh Nghĩa, với quy trình sản xuất của Công ty, cứ 5 kg chanh dây sẽ cho ra 1 lít thành phẩm nguyên chất. Sản phẩm làm ra được sử dụng phương pháp cấp đông, không có chất bảo quản, do đó thời hạn sử dụng chỉ trong vòng 6 tháng. Ngoài dùng trực tiếp làm nước giải khát, sản phẩm nước ép chanh dây này còn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món ăn.
Dù mới có mặt trên thị trường vài tháng nhưng lượng khách hàng của Công ty đã ngày một nhiều, sản lượng bán ra tăng đều theo thời gian. Chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, anh Nghĩa cho biết, để khách hàng biết đến sản phẩm của mình thì phải làm marketing với kinh phí khá lớn. Do đó, anh đã tận dụng kênh bán hàng online thông qua một số đại lý. Song song với đó, anh phát triển kênh bán hàng truyền thống với việc trực tiếp chào hàng tại một số quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng ở trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa… “Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi cũng đã tính đến phương án xây dựng thương hiệu để liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa mặt hàng của mình vào trong hệ thống cửa hàng tiện lợi hiện đại, siêu thị”-anh Nghĩa nói. 
Là người chuyên phân phối sản phẩm nước ép chanh dây của Công ty M.D.C Cao Nguyên, chị Mai Thị Anh Thi (tổ 3, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Khi trực tiếp tìm hiểu về quy trình sản xuất nước ép chanh dây của Công ty, tôi rất tin tưởng về chất lượng cũng như giá cả cạnh tranh mà Công ty đưa ra. Qua một thời gian bán mặt hàng này, lượng khách hàng cũng tăng nhiều, người này dùng rồi giới thiệu cho người khác mua. Hiện khách hàng dùng nước ép chanh dây chủ yếu là dân văn phòng, giáo viên với lượng bán trung bình mỗi ngày khoảng vài chục lít”.
Hiện nay, ngoài diện tích chanh dây trồng tại trang trại của gia đình, anh Nghĩa còn liên kết với nhiều hộ dân trồng chanh dây theo hướng hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến nước ép. Sản phẩm của các hộ này, anh cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường. Anh Nghĩa cho biết thêm, cùng với định hướng mở rộng thị trường khi đã có những cam kết với các khách hàng lớn ở một số tỉnh, thành thì Công ty cũng đã tính đến phương án cuối năm nay sẽ nâng công suất chế biến lên 700 lít/ngày. Không những thế, khi đủ điều kiện, anh sẽ bắt tay sản xuất các loại nước ép trái cây khác. “Giấc mơ và niềm đam mê làm nông nghiệp sạch lúc nào cũng khiến tôi suy nghĩ phải làm thế nào để hiện thực hóa, dù biết rằng con đường để sản phẩm của mình được người tiêu dùng chấp nhận là điều không hề dễ trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, tôi rất tin tưởng về khả năng tìm kiếm thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước ép chanh dây của mình”-anh Nghĩa chia sẻ.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm