Chủ DA được tỉnh làm đường 3 triệu USD:Đến nơi nào "ồn ào"nơi đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải đến dự án khu nghỉ dưỡng Nghĩa Thuận mới xảy ra thắc mắc, nghi vấn mà cách đây chưa lâu, dư luận Quảng Ngãi cũng đã từng “nóng” trong một thời gian dài đối với dự án Khu thương mại- dịch vụ chợ Đức Phổ cũng do chính công ty Hà - Mỹ Á làm chủ đầu tư. Theo đó các cấp ngành của tỉnh mất cả năm trời mới giải quyết, ổn định được.
Vào tháng 3/2015, chợ mới của trung tâm huyện Đức Phổ, huyện Đức Phổ (nằm cách chợ cũ khoảng 500m về phía đông) được chủ đầu tư là công ty Hà - Mỹ Á xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 55 tỷ đồng, được xây dựng trong khuôn viên rộng trên 13.000m2, trong đó diện tích sàn gần 9000m2, gồm: nhà lồng chính 3 tầng, 2 nhà lồng phụ, dãy ki ốt... đảm bảo việc buôn bán cho 600 tiểu thương.
Một thời gian dài, chợ mới Đức Phổ do công ty Hà - Mỹ Á làm chủ đầu tư bị tiểu thương phản ứng, không chịu vào buôn bán
Tuy nhiên cùng với một số lý do khác, nhiều tiểu thương cho rằng giá thuê ở chợ mới đắt, lại nằm ở vị trí bất tiện nên đã phản ứng dữ dội, không chịu vào đây buôn bán.
Để rồi ròng rã suốt hơn 1 năm sau đó, các cấp ngành của tỉnh tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp, đối thoại với tiểu thương (riêng huyện Đức Phổ, chỉ tính từ tháng 3 - 9/2015, lãnh đạo huyện này đã 10 lần tổ chức họp với tiểu thương); đồng thời yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh giảm giá cho thuê...mới xử lý ổn thỏa, đưa chợ này vào hoạt động ổn định.
Tiểu thương chợ Đức Phổ, huyện Đức Phổ tại lần đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (ảnh Minh Kỳ)
Trong khi lùm xùm tại dự án chợ Đức Phổ chưa dứt, vào tháng 12/2016, công ty Hà -Mỹ Á được chính quyền tỉnh ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thứ 2 là khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng (gọi tắt là DA khu nghỉ dưỡng) Nghĩa Thuận,  tại thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa.
Tại dự án này dư luận một lần nữa lại “dậy sóng” trước sự ưu ái “khó tưởng” của chính quyền tỉnh dành cho công ty Hà -Mỹ Á. Cụ thể ngoài sử dụng 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) từ ngân sách để làm đường nối vào khu du lịch nghỉ dưỡng, tiếp đến cho làm dự án khu dân cư ngay tại trục đường trên; chính quyền tỉnh còn cấp (không qua đấu thầu) cho công ty Hà - Mỹ Á mỏ cát để san lấp mặt bằng dự án khu nghỉ dưỡng Nghĩa Thuận.
“Thực hiện hỗ trợ làm cơ sở hạ tầng nói chung để thu hút đầu tư là đúng nhưng ở những vị trí và khu vực khó khăn, chứ ở sát khu vực dân cư và cận kề trung tâm thành phố như dự án khu nghỉ dưỡng của công ty Hà - Mỹ Á mà tỉnh ưu ái nhiều như vậy khó mà hiểu được", người dân bày tỏ.
Sự phản ứng và nghi ngờ trên của người dân Quảng Ngãi không có gì khó hiểu, bởi nhiều năm qua trừ khu nghỉ dưỡng Nghĩa Thuận của công ty Hà - Mỹ Á, chưa có dự án du lịch nào trong tỉnh được chính quyền nơi đây dành nhiều ưu đãi như vậy. Gần đây nhất là 3 dự án đã và đang triển khai, gồm khu du lịch Thác Trắng, huyện Minh Long; khu du lịch suối Chí, huyện Nghĩa Hành và khu du lịch nghỉ dưỡng bãi Dừa, huyện Tư Nghĩa.
 Cùng với chi ngân sách 70 tỷ đồng để giúp làm đường
chính quyền tỉnh còn "ưu ái" cho công ty Hà - Mỹ Á làm DA khu dân cư Nghĩa Thuận ngay trên tuyến đường làm giúp.
Đại diện chủ đầu tư 3 dự án trên bày tỏ: “Ngoài ưu đãi như đại đa số dự án khác miễn thuế sử dụng đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện làm các thủ tục khác....việc làm đường, vật liệu san lấp mặt bằng (cát, đất) do doanh nghiệp tự bỏ vốn ra mua, làm”.
Điều đáng nói khác là trong quyết định chấp thuận đầu tư được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào tháng 12/2016, ghi rõ mục tiêu dự án "Đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn, kết hợp với sản xuất nông nghiệp sạch; sản xuất nước khoáng đóng chai". Tuy nhiên đến nay dù đã hoàn thành (giai đoạn 1) đưa vào hoạt động gần cả năm nay, nhưng công ty Hà - Mỹ Á “quên” chuyện sản xuất nông nghiệp sạch; tống thẳng toàn bộ nước thải ra môi trường vì chưa hoàn thành hệ thống xử lý.
Được biết dự án khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng (gọi tắt là DA khu nghỉ dưỡng) Nghĩa Thuận, do Công ty CP đầu tư (công ty) Hà – Mỹ Á làm chủ đầu tư có diện tích 15,6ha (diện tích đất trồng lúa gần 10ha), tổng vốn trên 223 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ năm 2017-2018, diện tích 11ha và giai đoạn 2 từ năm 2019-2021), vị trí xây dựng tại thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa.
Trả lời câu hỏi "Sử dụng một khoản ngân sách khá lớn như vậy để làm đường vào dự án cho công ty Hà Mỹ Á, tỉnh có quá ưu ái cho doanh nghiệp này không?", ông Nguyễn Minh Đạo - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích: " Để phát triển du lịch của tỉnh cần có sự đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên lâu nay do nhiều nguyên nhân nên nguồn phí phí đầu tư của tỉnh để phát triển cho lĩnh vực du lịch chưa đúng mức. Cái này (làm đường) thực hiện theo thủ tục và quy trình chứ ưu ái gì đâu".
Công Xuân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.