"Trùm"đa cấp Thăng Long Group lừa vạn người,chiếm đoạt hơn 700tỷ bằng cách nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thăng Long Group kinh doanh thực phẩm chức năng theo mô hình đa cấp, hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận lãi gấp 3-4,7 lần. Với phương thức này "trùm" đa cấp Thăng Long Lê Văn Quang đã lừa 36.000 người, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.
Như Dân Việt đã đưa tin, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Lê Văn Quang (46 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Thăng Long Group) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bị truy tố cùng tội danh với ông Lê Văn Quang là các cựu lãnh đạo Công ty nhượng quyền Thăng Long, gồm Phạm Ngọc Tuân (34 tuổi, giám đốc), Vũ Đình Hùng (36 tuổi, phó giám đốc), Đỗ Văn (phụ trách công nghệ thông tin), Huỳnh Trọng Nghĩa (31 tuổi, giám đốc truyền thông), Nguyễn Hồng Thái (39 tuổi, giám đốc đào tạo), Nguyễn Thành Nam (37 tuổi, phó giám đốc đào tạo), Hoàng Hải Yến (39 tuổi, giám đốc tài chính).
Chiếm đoạt 706 tỷ đồng từ 36.000 người
Theo cáo trạng, nắm được tâm lý mong muốn kiếm tiền nhanh chóng, không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền và thu lợi nhuận cao, Lê Văn Quang lập ra hệ thống Thăng Long Group. Trong Thăng Long Group, Lê Văn Quang và đồng phạm thành lập ra Công ty nhượng quyền Thăng Long và xin giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương để tạo vỏ bọc hợp pháp.
Theo quảng cáo, nhà đầu tư nộp tiền mua đơn hàng sẽ được công ty trả tiền thưởng gấp 3,3-4,7 lần. Cụ thể, ai mua 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu;155 triệu đồng được nhận 730 triệu; 46 triệu đồng được nhận 153 triệu... Hàng hóa chủ yếu là sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng...
 
Lê Văn Quang thời điểm chưa bị bắt.
Cơ quan công tố xác định, 36.000 người đã nộp 736 tỷ đồng. Các bị can chi mua hàng chỉ gần 30 tỷ đồng. Số tiền còn lại chi các khoản bất hợp pháp cho nhà đầu tư để lôi kéo người khác tiếp tục nộp tiền; trang trải hoạt động của các công ty phục vụ cho hành vi phạm tội của 8 bị can và những khoản hưởng lợi cá nhân...
Số tiền thực tế các bị can chiếm đoạt là 706 tỷ đồng. Hiện, 1.540 người đã trình báo và yêu cầu bồi thường số tiền bị chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng. Cơ quan công tố cáo buộc, 8 bị can phải chịu trách nhiệm dân sự về toàn bộ số tiền chiếm đoạt.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Công ty nhượng quyền Thăng Long, theo kết luận của Giám định viên tư pháp Cục Thuế TP.Hà Nội, số tiền trốn thuế của Công ty nhượng quyền Thăng Long đối với thuế thu nhập cá nhân của nhà phân phối là hơn 35 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền thu nhập này là thu nhập không hợp pháp và hành vi gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm lừa đảo nên không truy cứu trách nhiệm hình sự độc lập đối với các bị can về tội trốn thuế.
Trước đó, ngày 30/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C46 nay là C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 29/C46(P11) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhượng quyền thương mại Thăng Long.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố 4 lãnh đạo Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long gồm Phạm Ngọc Tuân (Giám đốc), Lê Văn Quang và Vũ Đình Hùng (Phó giám đốc), Hoàng Hải Yến (Kế toán trưởng) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 3/10/2018, Cơ quan CSĐT – bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 5 bị can này về tội danh nêu trên.
Soi hoạt động của đa cấp Thăng Long trước khi chấm dứt hoạt động
Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp từ cuối năm 2014, có trụ sở chính tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội).
Chỉ sau một thời gian hoạt động, công ty này đã mở 21 đại lý tại nhiều tỉnh thành, lôi kéo hàng vạn người tham gia vào mạng lưới đa cấp. Hàng hóa mà Quang cùng các đồng phạm bán hàng đa cấp gồm: Sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng Nutrition, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan...
 
Lượng người tham gia mạng lưới BHĐC của Công ty Thăng Long rất lớn, có thời điểm lên tới gần 4 vạn người. Ảnh: dantri.com.vn
Sau khoảng 2 năm, Thăng Long Group đã bị nhiều người gửi đơn thư tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối năm 2015, thông qua kiểm tra, cục Quản lý Cạnh tranh (bộ Công Thương) kết luận Thăng Long Group đã vi phạm nhiều quy định pháp luật về bán hàng đa cấp. Theo đó, công ty này đã cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hoá, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia nộp tiền vào hệ thống.
Cụ thể là cung cấp sai lệch gây nhầm lẫn về tính chất và công dụng của các sản phẩm như: Nutrion 1, Nutrion 2, Nutrion 3, thực phẩm chức năng giải rượu MV, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Thymozin, thực phẩm chức năng Thymo Plus…
Trong thời gian hoạt động, Thăng Long Group thường xuyên tổ chức các hội nghị hoành tráng, với sự tham gia của hàng nghìn người, phóng đại về mức thu nhập và hoa hồng của một số người tham gia công ty có số tiền thưởng lên tới hàng tỷ đồng.
Trong một lễ phát thưởng, số tiền thưởng có một cá nhân trên 2,2 tỷ đồng, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Thăng Long Group từng nói: "Mọi thứ trên đời đều có sẵn, vấn đề là lấy nó bằng cách nào".
 
 Những lễ trao thưởng rất hoành tráng của Thăng Long Group nhưng số tiền thưởng là "sai lệch" (ảnh dantri)
Năm 2016, công ty này bị nằm trong nhóm 7 công ty đa cấp đang trong quá trình thanh tra của bộ Công Thương.
Tháng 8/2016, công ty Thăng Long bị cục Quản lý cạnh tranh phạt 460 triệu đồng do hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. 
Các hành vi vi phạm bao gồm: Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Công ty này cũng thực hiện ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; Duy trì nhiều hơn một hợp đồng bán hàng đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp, không thực hiện nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Ngày 5/9/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thăng Long  Group trên phạm vi toàn quốc và yêu cầu phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Theo P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.