Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các ngân hàng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh mà còn gắn với mục tiêu đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tại Gia Lai.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn luôn là trở ngại đầu tiên khi đi vào hoạt động. Đây là thực tế mà ông Nguyễn Thành Trì-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp xanh Thiên Hưng (TP. Pleiku) thẳng thắn nhìn nhận sau gần 4 năm vận hành doanh nghiệp. Cũng như hầu hết các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, bên cạnh nguồn vốn tự có thì Công ty rất cần bổ sung nguồn vốn lưu động từ ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội phát triển. “Nhiều khi, cơ hội kinh doanh đã mở ra trước mắt nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên doanh nghiệp không đủ lực để hiện thực hóa, nắm bắt thành công”-ông Trì chia sẻ. Vì vậy, theo ông Trì, Công ty rất mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận các chương trình, chính sách ưu đãi về nguốn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
  Ngân hàng hỗ trợ vốn kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững. Ảnh: S.C
Ngân hàng hỗ trợ vốn kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững. Ảnh: S.C
7.000 tỷ đồng là quy mô của chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai trên toàn hệ thống, bắt đầu từ tháng 3-2019 cho đến ngày 31-12-2020 hoặc khi đạt quy mô của gói. BIDV triển khai gói tín dụng này nhằm cụ thể hóa chương trình phát triển bền vững hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Chương trình hướng tới nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp khu vực nông thôn, doanh nghiệp có dự án đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, thỏa mãn điều kiện về môi trường và xã hội cũng như các điều kiện khác theo quy định. Khách hàng tham gia gói hỗ trợ này sẽ nhận được lãi suất vay ưu đãi hơn so với vay thông thường 0,5-1%/năm. Việc BIDV triển khai chương trình này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cam kết hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hưởng ứng thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt cũng đã nhanh chóng đưa ra gói ưu đãi quy mô 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với phương châm “Đồng hành cùng bạn phát triển bền vững”. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn để nắm bắt cơ hội kinh doanh, Ngân hàng Bản Việt triển khai cho vay bổ sung vốn lưu động lãi suất chỉ 8,5%/năm, hạn mức lên đến 5 tỷ đồng, thời gian ưu đãi đến hết 31-12-2019. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có chương trình cho vay hỗ trợ tài sản cố định cho doanh nghiệp (nhà xưởng, máy móc, thiết bị…) với hạn mức tối đa 10 tỷ đồng; cho vay tín chấp một phần đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài sản đảm bảo. “Cung cấp những sản phẩm mà khách hàng cần chứ không phải những gì mình đang có là phương châm của Bản Việt. Tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà chúng tôi đưa ra cấu trúc tài chính phù hợp, hỗ trợ vốn đúng thời điểm nhằm thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Hiện tại, Bản Việt cho vay tín chấp một phần đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ tài trợ tín chấp phụ thuộc vào tính khả thi của dự án, lịch sử hoạt động, giao dịch lẫn mức độ ổn định về tài chính của doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro. Nếu doanh nghiệp minh bạch về tài chính thì ngân hàng sẵn sàng “bơm” vốn”-bà Giang Thị Hoài Phương-Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt-Chi nhánh Gia Lai-khẳng định.  
Ngay từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN “Về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019”. Theo đó, yêu cầu NHNN các tỉnh cần tăng cường phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. “Thực hiện Chỉ thị số 01 của NHNN Việt Nam, Chi nhánh tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đáp ứng đủ vốn cho doanh nghiệp có các dự án hiệu quả, khả thi”-ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh-cho biết. Đồng thời, NHNN-Chi nhánh tỉnh cũng lưu  ý các ngân hàng quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao để đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Được biết, đến cuối quý I-2019, tổng dư nợ toàn tỉnh là 89.300 tỷ đồng, huy động vốn khoảng 35.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ và huy động vốn khoảng 2% so với cuối năm 2018.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.