Doanh nghiệp vẫn nặng tâm lý "bôi trơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng phong cách làm việc có văn hoá và chưa coi đây là yếu tố tạo nên thành công của DN.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp (DN) là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để DN phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Văn hóa DN không chỉ là hình ảnh DN mà còn là hình ảnh quốc gia; là cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới. Nếu thiếu yếu tố văn hóa DN khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.
Thực tế hiện nay, nhiều DN chưa thực sự coi trọng văn hoá DN và chưa coi đây là yếu tố tạo nên thành công của DN. Việc xây dựng văn hóa DN ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Vẫn còn rất nhiều DN chưa biết đến hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động xây dựng văn hóa DN ở phạm vi quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Còn nhiều DN làm văn hóa DN không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Khi đề cập về vấn đề văn hóa doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, văn hóa DN có rất nhiều nội hàm, trong đó thương hiệu của DN chính là cốt lõi của một DN. Trong kinh doanh, DN phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm như quy cách sử dụng, hạn sử dụng, có chính sách bảo hành… DN phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng.
TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân Dân.
“Một DN phải thể hiện văn hóa và mỗi DN có một văn hóa riêng dựa trên phong cách người lãnh đạo. Văn hóa quan trọng nhất của một DN cần có đó là chữ tín trong quản lý. Đây tuy là những cái rất nhỏ nhưng thể hiện văn hóa của DN, giúp gắn kết trong DN, là hồn cốt đưa DN đó phát triển”, bà Ngân chia sẻ.
Cho rằng trong văn hóa DN có văn hóa doanh nhân và doanh nhân quyết định văn hóa DN, TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận - Báo Nhân Dân phân tích, văn hóa DN có tính phổ biến nhưng có tính cá biệt đặc sắc. Do vậy cần hiểu 3 yêu cầu về văn hóa DN là tính truyền thống, cam kết hội nhập và bản sắc riêng. Những giá trị trên cần hội tụ để trở thành một giá trị phổ quát.
“Các DN cũng cần phải tuân thủ pháp luật, lấy khách hàng làm thượng đế, khách hàng là tài sản của mình, không có chuyện buôn bán kinh doanh chộp giật và bản sắc riêng của DN nằm ở sự sáng tạo. Điểm yếu của DN Việt Nam là tính chủ động, tuân thủ và tự giác tự thân. Nhiều DN chưa nâng tiêu chuẩn của mình theo quy chuẩn quốc gia, tính đồng bộ cũng chưa đầy đủ và đặc biệt là còn coi nhẹ xây dựng thương hiệu trong văn hóa DN”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.
Để giúp doanh nghiệp thực sự hiểu được tầm quan trọng của văn hoá DN đối với sự phát triển thương hiệu, PGS.TS. Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh khẳng định, cần phải nâng cao được nhận thức của DN về văn hóa DN, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo DN đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở.
PGS.TS. Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh.
Cụ thể, lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý phải được đào tạo và tự đào tạo về văn hóa DN một cách hệ thống; không chỉ biết các lý luận, mô hình, phương pháp quốc tế mà còn cả các yêu cầu, tiêu chí đánh giá và chuẩn mực văn hóa DN của Việt Nam.
“Công tác đào tạo, truyền thông về văn hóa DN cần được đẩy mạnh theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường Đại học, của các cơ quan báo chí, truyền thông… trong hoạt động của chính các DN và có sự kết nối, phối kết hợp của các tổ chức này và cần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau”, PGS.TS. Đỗ Minh Cương lưu ý.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và điều hành DN, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận, bất kể DN nào cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” và văn hóa DN chính là yếu tố “nhân hòa”.
“Đã đến lúc phải nhìn nhận văn hóa là mục đích của sự phát triển DN, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu để DN phát triển bền vững. Bản chất DN sinh ra là để kiếm lợi nhuận để phát triển, muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Do đó, yêu cầu mỗi người trong DN phải có văn hóa để cùng nhau trở lên tốt hơn. Văn hóa DN cải thiện “nhân hòa” nên khi mỗi người trong DN tự hoàn thiện bổn phận của mình để có một hệ thống tốt mới tạo ra văn hóa của DN”, ông Thắng chia sẻ.

TS. Nguyễn Minh Phong: Thực tế, tình trạng “bôi trơn” hiện nay vẫn phổ biến trong tâm lý của không ít DN. Điều này đến từ việc DN nào cũng muốn chen ngang lấy lợi ích. Chính vì vậy, trong văn hóa DN cần chú ý đến chuẩn mực văn hóa quản lý Nhà nước để xóa bỏ lợi ích nhóm và hỗ trợ tốt hơn cho văn hóa DN.

Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.