Thành Thành Công Gia Lai: Đồng hành cùng người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xác định người trồng mía giữ vai trò then chốt trong chuỗi giá trị ngành, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) luôn tập trung mọi nguồn lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho nông dân. Định hướng của chúng tôi là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống người lao động tại địa phương và tăng năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam”-ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc TTC Gia Lai-cho biết.

 

Nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía

Hiện nay, TTC Gia Lai có 1 nhà máy với công suất ép 6.000 tấn mía cây/ngày; sở hữu vùng nguyên liệu hơn 10.000 ha ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Sê và thị xã Ayun Pa. Những năm qua, ngoài việc quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục, TTC Gia Lai cũng đã triển khai nhiều giải pháp thu mua mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cụ thể, TTC Gia Lai đã thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và bốc mía. Hiện tại, Công ty có 4 máy thu hoạch hoạt động thường xuyên và 25 máy bốc mía, mỗi giờ 1 máy bốc đầy 1 xe 25 tấn. Nhờ đó, vụ ép 2018-2019, tại vùng nguyên liệu của Công ty không còn tình trạng nông dân phải cạnh tranh trong việc thuê công đốn mía như những năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Hòa (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Vụ ép 2018-2019, TTC Gia Lai thu mua mía và sắp xếp phương tiện vận chuyển hợp lý hơn so với những năm trước. Việc thu hoạch theo vùng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy là cách làm mới và khá hay, giúp người dân ngày càng yên tâm”. Ngoài ra, Công ty cũng triển khai hệ thống quản lý nông nghiệp (FRM) để chủ động trong việc thu hoạch và cấp lệnh điều xe. Theo đó, lịch điều xe chở mía được giao cho các Trạm nông vụ quản lý. Trạm phân lịch và địa điểm về cho từng đầu công để vận chuyển; đốn mía đến đâu, xe bốc đến đó. Điều này tạo thành một chuỗi khép kín giúp tăng tỷ lệ quay vòng xe, giảm chi phí và đảm bảo thời gian thu hoạch mía.

TTC Gia Lai thực hiện cơ giới hóa trong khâu nhập nguyên liệu.   Ảnh: T.D
TTC Gia Lai thực hiện cơ giới hóa trong khâu nhập nguyên liệu. Ảnh: T.D



Dự kiến, Công ty sẽ kết thúc vụ ép vào cuối tháng 4-2019. Theo thống kê, năng suất mía bình quân trong vụ ép này của Công ty đạt khoảng 60 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,7 CCS. Giám đốc TTC Gia Lai thông tin: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh và sẽ có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ nông dân nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mía lớn. Năm nay, dự báo thời tiết nắng hạn kéo dài, Công ty khuyến khích bà con tưới mía với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Song song với đó, hệ thống FRM sẽ giúp cán bộ Công ty có thể kiểm soát tất cả thông tin về tính chất đất, giống mía, ngày trồng…”. Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với người trồng mía do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, TTC Gia Lai đã đầu tư hệ thống điện trị giá hơn 2 tỷ đồng dọc kênh thủy lợi Ayun Hạ và hỗ trợ khoan giếng, mua thiết bị tưới... Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ không hoàn lại đã và đang triển khai cho những diện tích mía trồng mới, chăm sóc mía gốc. Bà Trần Thị Minh (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cho hay: “Do nắng nóng kéo dài từ năm ngoái đến nay nên năng suất và sản lượng mía giảm. Hiện gia đình được TTC Gia Lai hỗ trợ máy bơm nên thường xuyên bơm nước từ suối Đak Pi Hiao lên tưới mía”.

Quan tâm bảo vệ môi trường

 


Hiện nay, tổng diện tích mía nguyên liệu TTC Gia Lai đã đầu tư tưới nước đạt 1.000 ha, tập trung nhiều tại huyện Ia Pa và Krông Pa. Công ty đang nỗ lực vận động người dân hợp thửa từ 3 ha trở lên để áp dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất mía. TTC Gia Lai xác định, chỉ có đưa cơ giới vào sản xuất mới cải tạo được tầng canh tác dày, tăng khả năng chống hạn cũng như kết hợp nhiều khâu chăm sóc giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất mía.

Các tiêu chí về môi trường luôn được TTC Gia Lai đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến, TTC Gia Lai đã đầu tư đồng bộ các hệ thống xử lý bụi, mùi hôi, nước và khí thải. Hệ thống xử lý nước thải của Công ty có công suất thiết kế 3.500 m3/ngày đêm, lưu lượng xả thải được cấp phép dưới 900 m3/ngày đêm, nước thải ra môi trường đạt chuẩn loại A (tiêu chuẩn cho phép là loại B) theo QCVN 40:2011. Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với khu dân cư xung quanh, TTC Gia Lai đã triển khai các công tác như đóng kín các thiết bị máy móc để giảm tiếng ồn khi vận hành; đầu tư xây tường, lưới chắn, thường xuyên tưới nước để tránh bụi đường, bụi bã phát tán trong không khí; đầu tư xây dựng hệ thống mương, cống thoát nước mặt tại khu nhà chứa bã...

Ngoài ra, TTC Gia Lai đang xây dựng nhà xưởng sản xuất phân vi sinh với công suất 9.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm phân vi sinh của TTC Gia Lai làm từ bã bùn có tác dụng cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Bà Vũ Thị Hồng (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Hiện nay, khi nhà máy hoạt động thì tiếng ồn, bụi bẩn và mùi hôi đã giảm hẳn. Người dân sống xung quanh khu vực nhà máy khá hài lòng về điều này. Hy vọng Công ty sẽ có nhiều biện pháp tốt hơn nữa nhằm bảo vệ tốt môi trường sống cho người dân”.

Với những nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách về môi trường, năm 2017, TTC Gia Lai được Trung ương Hội Kinh tế-Môi trường Việt Nam chứng nhận đạt tốp 20 doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững. “Công ty luôn nỗ lực phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài việc trồng cây xanh bao phủ xung quanh nhà máy, đơn vị cũng đã hoàn thiện hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục cho 2 lò hơi theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng khí thải khi đưa ra môi trường luôn đạt chuẩn cam kết. Chúng tôi cũng đang thực hiện phương án “Tuần hoàn nước thải sau xử lý” để tiết kiệm tài nguyên nước và giảm thiểu phát thải ra môi trường. Phương án này hiện đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND tỉnh chấp thuận”-ông Hoàng Trọng Tịnh thông tin thêm.

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm