Độc quyền dịch vụ hàng không, ACV thu về hơn 1.300 tỷ mỗi tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được coi là doanh nghiệp “hot” nhất ngành hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), quản lý các sân bay dân dụng mỗi tháng thu về hơn 1.300 tỷ đồng từ độc quyền dịch vụ hàng không. Đây cũng chính là doanh nghiệp đang được Bộ GTVT “chọn” để đầu tư nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
ACV là một trong những doanh nghiệp chính hưởng lợi trong dài hạn nhờ sự bùng nổ của ngành hàng không và du lịch của Việt Nam.
Kinh doanh độc quyền dịch vụ hàng không, ACV thu hơn 1.300 tỷ đồng mỗi tháng
Theo BCTC hợp nhất quý IV.2018, Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu thuần 4.142 tỷ đồng, cao hơn 18% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận gộp tăng 20% lên 1.676 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính xấp xỉ 381 tỷ đồng, tăng 17%, trong khi chi phí gấp 13,5 lần ở mức 347,3 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 318 tỷ đồng. Cả năm 2018, ACV lỗ tỷ giá 774 tỷ đồng, gấp 1,5 lần 2017. Kết thúc quý IV.2018, lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 1.506 tỷ đồng và lãi ròng 1.258 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 2018, ACV ghi nhận doanh thu thuần 16.088 tỷ đồng, tăng 16% so với kết quả thực hiện năm 2017. Như vậy, cứ mỗi tháng công ty này thu về hơn 1.340 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt là 7.628 tỷ đồng và 6.216 tỷ đồng, tăng tương ứng 43% và 51% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty vượt 0,36% kế hoạch doanh thu và 10% chỉ tiêu lợi nhuận. EPS đạt 2.564 đồng.
 Báo cáo tài chính quý IV.2018 của ACV
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt, doanh thu quý IV của ACV tăng trưởng nhờ việc tăng thu phí hàng không được áp dụng từ Quý IV.2017- Quý III.2018. VCSC ước tính phí phục vụ hành khách trung bình (Passenger Service Charge/PSC) tăng 34% so với năm 2017 và tổng lưu lượng hành khách năm 2018 của ACV chỉ tăng 4% so với năm 2017.
Biên lợi nhuận gộp của ACV năm 2018 tăng lên 48% từ 41% năm 2017. VCSC cho rằng lý do là phí phục vụ hành khách tăng và ACV đang ở điểm thấp trong chu kỳ đầu tư xây dựng cơ bản.
Nhìn vào bức tranh kết quả kinh doanh của ACV trong giai đoạn kể từ 2012 cho tới nay có thể thấy, các chỉ tiêu từ doanh thu cho đến lợi nhuận ròng của ACV hầu như đều có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Duy nhất năm 2015, lợi nhuận của ACV đạt được thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, ngay sau đó, ACV đã không ngừng “bứt phá” nhờ độc quyền dịch vụ hàng không.
Cụ thể, năm 2015, ACV lãi ròng 1.753 tỷ đồng. Năm 2016, con số lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng 55% so với năm 2015 lên 2.718 tỷ. Chưa dừng lại, năm 2017, ACV tiếp tục tăng tưởng 52% và ghi nhận mức tăng 51% vào năm 2018.
Như vậy, nếu xét theo giá trị tương đối thì có đến 3 năm liên tiếp lợi nhuận sau thuế của ACV tăng trưởng trên 50% mỗi năm. Xét về giá trị tuyệt đối, con số tăng tương ứng qua các năm lần lượt là 965 tỷ, 1.404 tỷ và 2.094 tỷ đồng vào năm 2018. Kết quả, cuối năm 2018, ACV ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 6.146 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển 2.550 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính, đóng góp chính vào lợi nhuận của ACV là nhờ kinh doanh độc quyền dịch vụ hàng không. Cụ thể, quý IV.2018, doanh thu của ACV đạt hơn 4.178 tỷ, thì doanh thu đến từ dịch vụ cung cấp hàng không và phi hàng không là 3.824 tỷ đồng; luỹ kế cả năm 2018, doanh thu đạt 16.136 tỷ đồng, riêng doanh thu đến từ dịch vụ cung cấp hàng không và phi hàng không là 14.768, tăng hơn 2.000 tỷ so với năm 2017.
Dù doanh thu lớn, nhưng do chi phí lớn cộng thêm khoản lỗ tỷ giá trong năm 2018 là 774 tỷ đồng nên lợi nhuận vẫn chưa tương xứng. Nợ phải trả của ACV tính đến cuối năm 2018 là 23.209 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017 và chiếm 43% tổng tài sản. Xét trong cả giai đoạn 2015 – 2018, nợ phải trả của ACV giảm tới 1.028 tỷ đồng.

Chọn ACV đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

ACV chính thức được thành lập vào đầu năm 2012 khi Bộ Giao thông vận tải quyết định hợp nhất tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nhằm tập trung nguồn lực và giải bài toàn nguồn vốn.
ACV cũng chính là doanh nghiệp được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký quyết định 1942/QĐ-BGTVT, ban hành ngày 31.8.2018 đề xuất với Chính phủ giao cho Tổng công ty Hãng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. 
Điều đáng nói ở chỗ, quyết định này đã bỏ qua những đề xuất của tư vấn Pháp ADP-I Engineering về việc xây dựng nhà ga T3 thành nhà ga lưỡng dụng mang tính an ninh quốc phòng cao, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó là chọn phương án của tư vấn ADP-I.
Bộ GTVT chọn ACV đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Tuy nhiên, không hiểu vì sao Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lại ký quyết định 1942/QĐ-BGTVT, ban hành ngày 31.8.2018 đề xuất với Chính phủ giao cho Tổng công ty Hãng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án này.
Với 2 thông báo kết luận của Thủ tướng và quyết định của Bộ GTVT và thấy rằng, Bộ GTVT đang cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng?
Bộ GTVT làm trái kết luận của Thủ tướng thì phải giải trình, báo cáo Thủ tướng lý do tại sao lại chậm trễ? Việc Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký các quyết định về quy hoạch Tân Sơn Nhất có báo cáo Bộ trưởng hay không? Việc không thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ mà lại giao cho tư vấn trong ngành GTVT thì ai chịu trách nhiệm việc này, Bộ trưởng hay Thứ trưởng ký văn bản? Bộ GTVT đang có vấn đề gì khi làm trái kết luận của Thủ tướng?
Hiện nay, ACV là doanh nghiệp cổ phần có yếu tố nước ngoài thì việc giao đất cho ACV là rất khó. Vì vậy, việc giao đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật theo Luật Đất đai, Luật Đầu thầu. Bộ GTVT không thể nói chọn ACV là có thể chọn được mà phải tuân thủ quy định của pháp luật.
L.T (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm