Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 9-7, tại thành phố Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thuận lợi hoá thương mại: Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 240 lãnh đạo và quản lý cấp cao của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đa ngành trên toàn quốc.
 

Hội thảo nhằm triển khai Bản ghi nhớ được ký kết giữa Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ những thông tin, kỹ năng để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu do các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Nội dung chính của Hội thảo tập trung trao đổi về vai trò của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và những cải cách trong lĩnh vực hải quan trong việc giúp thuận lợi hoá thương mại tại Việt Nam; các điều khoản thuận lợi hoá thương mại trong Luật Quản lý Ngoại thương; tầm quan trọng của dịch vụ logistics và ứng dụng công nghệ trong việc thúc đẩy thương mại.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, Việt Nam tuy được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhưng hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này là rất thấp so với chỉ số trung bình 46% của các quốc gia cùng thuộc khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi cũng chưa phát huy hết tiềm năng trong các khâu để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất với chi phí thấp nhất; sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ. Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.

Một khó khăn khác trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nền tài chính mỏng, công nghệ còn yếu, nguồn nhân lực về cơ bản còn bất cập; việc tiếp cận vốn, tài trợ thương mại còn hạn chế do chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thiếu lao động có kỹ năng để tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao như: chế biến, phân phối (bán lẻ) và marketing.

Để vượt qua những thách thức này, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng ngành hàng phải đẩy mạnh liên kết để phát huy lợi thế từng doanh nghiệp và nâng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Doanh nghiệp cũng phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cấp công nghệ.

Đặc biệt, lãnh đạo mỗi doanh nghiệp phải tiếp cận với tư duy quản lý theo hướng hiện đại, coi trọng chất lượng và hiệu quả, xây dựng lòng tin với đối tác và gây dựng uy tín của doanh nghiệp. Nhất là trong việc trả lương và thu nhập người lao động cần dựa trên hiệu quả sử dụng lao động, không thể kéo dài tình trạng nhân công giá rẻ, mà phải nâng cao thu nhập để tạo ra năng suất lao động cao hơn và chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Ngoài ra, trong điều kiện Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần tự tin và chủ động hơn trong tiếp cận với doanh nghiệp lớn để tạo mối quan hệ hợp tác trong ký kết và thực hiện hợp đồng, từng bước tạo chỗ đứng trong chuỗi cung ứng sản phẩm của từng tập đoàn; qua đó gây dựng uy tín, lòng tin với các tập đoàn xuyên quốc gia tham gia hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ, với vị thế là trung tâm kinh tế động lực của khu vực Tây Nam Bộ, thời gian tới, thành phố Cần Thơ sẽ tiên phong thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu công nghiệp theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, mặt hàng giá trị gia tăng, mặt hàng mới; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu cho các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, thành phố Cần Thơ kêu gọi sự phối hợp giữa các địa phương khu vực Tây Nam Bộ để có định hướng rõ ràng trong quy hoạch phát triển ngành lương thực - thực phẩm thế mạnh của vùng thời gian tới.

Trong đó, tăng cường sự tham gia của những tổ chức trong và ngoài nước đủ năng lực, điều kiện thực hiện chức năng thẩm định, đánh giá, tổng hợp về chuỗi giá trị, từ đó tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm của vùng.

Các địa phương cần hợp tác tăng cường đầu tư cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông; chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ; phát triển hệ thống logistics cho ngành chế biến và bảo quản thực phẩm; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế biến thực phẩm.

Các địa phương cần có cơ chế, chính sách chung nhằm sử dụng tốt nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số nguồn đầu tư khác giúp các doanh nghiệp trong vùng chủ động liên kết ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất các loại nông sản, thực phẩm tuân thủ “quy định xanh”, thân thiện với môi trường, đủ sức vượt qua các “rào cản xanh” và tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

“Thực hiện tốt những mục tiêu này không chỉ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng bằng sông Cửu Long tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp khu vực này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới, từ đó tạo động lực cho các địa phương khác trên cả nước”, ông Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh.

Hồng Giang/TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước