Kinh doanh xe khách Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời bao cấp, tài xế xe khách và kể cả tài xế xe tải đều được coi là các “ông trời con”. Bởi lẽ, xe thì ít mà nhu cầu thì cao. Vậy là các tài xế hầu như muốn gì được nấy, lúc nào cũng được chiều chuộng tới bến.

Chuyển sang cơ chế thị trường, thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào kinh doanh vận tải nhiều đến nỗi bây giờ, cung lại vượt xa cầu. Vì vậy, cánh tài xế không còn làm mưa làm gió nữa và các chủ hàng, hành khách trở lại vị trí “Thượng đế” như vốn dĩ phải vậy. Xe nhiều nên chuyện làm ăn cũng khó khăn, không phải cứ đánh xe ra bến là có khách, có hàng như trước kia mà phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn, đón khách. Mấy năm trước, tôi có quen một anh bạn tên Minh là chủ nhà xe Minh Trang chạy tuyến Pleiku-Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Campuchia).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng khởi hành từ Bến xe Đức Long Gia Lai, gần trưa mới tới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, dừng cho khách ăn cơm ở đó xong rồi qua trạm, khoảng 1 giờ chiều thì đến Ban Lung. Xe khách 45 chỗ ngồi nhưng thường chỉ chở được không quá 15 hành khách, phần lớn là công nhân các doanh nghiệp Việt Nam sang trồng cao su, cà phê bên Campuchia, còn lại là chủ hàng với hàng hóa. Sáng hôm sau, xe xuất bến Ban Lung về lại Pleiku, cũng chỉ chừng ấy khách và hàng hóa. Anh Minh than: Nào tiền dầu, tiền công tài xế cùng nhiều loại chi phí khác nên… lỗ là đương nhiên. Được biết, đến nay, anh vẫn chạy tuyến Campuchia nhưng chuyển sang địa bàn Đak Lak, xuất phát từ Buôn Ma Thuột và qua tỉnh Mondulkiri, nghe đâu cũng không khá hơn tuyến cũ là mấy.

Các xe chạy tuyến nội địa, cự ly gần như Pleiku-Quy Nhơn cũng nhọc nhằn không kém. Nếu như thời bao cấp, tuyến này mỗi ngày chỉ có 2-3 chiếc xe khách chạy 2 chiều thì bây giờ, con số đó tăng gấp nhiều lần. Đã vậy, các xe khởi hành từ Buôn Ma Thuột, Kon Tum khi đi ngang qua Gia Lai còn tranh thủ bắt khách nên cánh xe khách Pleiku cũng bị ảnh hưởng. Tuyến ngược chiều cũng không hơn là mấy. Nếu là chủ xe kiêm tài xế thì còn đỡ, chứ thuê tài xế (loại xe 16 chỗ ngồi) thì phải trả lương ngày cho tài xế 500 ngàn đồng, phụ xe 300 ngàn đồng, thêm tiền xăng dầu, phí qua 2 trạm BOT và một vài khoản chi “bất thành văn” khác nữa nên thực thu không quá 1 triệu đồng/ngày. Xe mua mới trị giá đến bạc tỷ trong khi thu về hàng tháng chỉ vài chục triệu đồng nên may lắm thì cũng phải vài ba năm sau mới khấu hao đủ. “Như vậy là còn đỡ, nếu bắt khách không đủ chuyến, nhiều bữa gần như hòa vốn”-một tài xế xe khách kể với tôi như thế.

Đi xe khách bây giờ (kể cả tuyến đường ngắn), hành khách đúng là “Thượng đế”. Này nhé, hẹn giờ sẽ có xe trung chuyển đến đón tận nơi và tất nhiên khi về cũng được xe trung chuyển đưa tới tận nhà. Trên xe luôn bật máy điều hòa, lại có mạng wifi tha hồ lướt web, tán chuyện với bạn bè; khăn lau mặt, nước uống cũng được nhà xe cung cấp miễn phí.

Những khoản chi đó cũng ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của nhà xe. Tuy nhiên, với những chủ xe có kinh nghiệm và đã chạy tuyến đường cự ly ngắn lâu năm thì họ có nguồn thu khá ổn định. Những năm trước đây, tôi thường xuống Quy Nhơn hàng tuần nên luôn chọn nhà xe T.A., chạy cố định tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại. Xe này lúc nào cũng đầy khách, thậm chí khách phải gọi điện thoại dặn trước. Anh T., chủ xe kiêm tài xế cho biết sở dĩ được như vậy là do xe anh luôn xuất bến đúng giờ, không nhồi nhét, không chặt chém (kể cả ngày lễ, Tết), không chạy lòng vòng bắt khách và đón, trả khách tận nhà. Nhiều năm như vậy nên đã trở thành “thương hiệu”. Hôm nào ít khách thì đã có hàng chả cá (đến mấy tạ) anh hợp đồng chở thường xuyên từ Quy Nhơn lên bù lại. Anh T. nay đã giải nghệ nhưng xe T.A. được con trai anh nối nghiệp làm chủ kiêm tài xế. Con trai anh đã lên đời xe, mua thêm xe trung chuyển 2 đầu bến và xe lúc nào cũng đông khách.

Kinh doanh xe khách thực tế có nhiều áp lực trong quá trình vận chuyển, thời gian, thu nhập và thường xuyên đối mặt với những tình huống xảy ra trên đường… Thế nhưng, không ít nhà xe, tài xế, cũng do lòng tham nên nhồi nhét, “chặt chém” khách, chạy ẩu… ảnh hưởng lớn đến chất lượng vận tải và gây nguy hiểm đến tính mạng hành khách. Hiện nay, theo quy định, các xe khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình và phải luôn tuân thủ Luật Giao thông Đường bộ, thực sự mang lại an toàn và tiện nghi cho cả nhà xe cùng hành khách đi xe.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm