Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện có nhiều cách để doanh nghiệp tiếp cận với những quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiểu biết về luật pháp của nhiều doanh nghiệp chưa sâu và một bộ phận còn cố tình vi phạm trong lĩnh vực thuế, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm…

Nhiều vụ vi phạm  

Hành vi trốn thuế, tham ô và vi phạm các quy định về quản lý kinh tế tại Công ty cổ phần Gia Lai CTC với số tiền lên đến hơn 100 tỷ đồng gần đây được coi là ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật. Theo đó, từ năm 2013 đến 2016, Ban lãnh đạo Công ty này đã không kê khai báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh thu bỏ ngoài sổ sách gây thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng; có các dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản hơn 45 tỷ đồng; các dấu hiệu của hành vi cố ý vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại 49,5 tỷ đồng.

 

Doanh nghiệp cần được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý. Ảnh: H.D
Doanh nghiệp cần được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý. Ảnh: H.D

Kinh doanh xăng dầu cũng là lĩnh vực dễ vi phạm pháp luật và thực tế từng xảy ra nhiều vụ vi phạm. Đầu năm 2017, chi nhánh bán lẻ xăng dầu Văn Cường của Doanh nghiệp tư nhân Văn Cường (làng Chiêu Liêu, xã An Trung, huyện Kông Chro) đã có hành vi gian lận bằng cách tác động vào thiết bị phương tiện đo thông qua việc đóng ngắt nguồn điện để điều chỉnh sai số vượt giới hạn cho phép. Doanh nghiệp này đã bị xử phạt 85 triệu đồng, bị buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hơn 287 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong 3 tháng.

Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu lợi bất chính. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh từng nhận định rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là hiểu biết luật pháp chưa sâu, việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ còn cố tình vi phạm. Chỉ trong 3 năm (2015-2017), ngành Thuế đã phát hiện 470 doanh nghiệp có hành vi gian lận về thuế với tổng số tiền hơn 104 tỷ đồng, số doanh nghiệp này đã bị phạt tiền 37,34 tỷ đồng, truy thu thuế 67,1 tỷ đồng. Rõ ràng vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã không ngại lợi dụng hoặc tìm kẽ hở pháp luật để lợi dụng và vi phạm.

Anh Trần Quang Khải-chủ một doanh nghiệp thương mại dịch vụ  ở TP. Pleiku, bày tỏ: “Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, doanh nghiệp dạng siêu nhỏ như chúng tôi thấy người ta làm sao thì mình làm vậy, cứ lấy hàng mua đi bán lại kiếm lời, không buôn bán hàng giả, hàng nhái là được rồi”.

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Từ những sai phạm ngày càng tinh vi của một số doanh nghiệp cũng như hạn chế trong việc tiếp cận pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, trong năm 2018, việc tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được tỉnh đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018 nhằm thực hiện Quyết định số 559/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị.

Theo kế hoạch, Sở Tư pháp sẽ chủ trì  các  hoạt động như: cập nhật thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử; biên soạn tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cùng với Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng tích cực phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế. Việc hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp còn được triển khai thông qua một số hoạt động cụ thể như tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu cốt lõi mà công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hướng tới là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và tuân thủ pháp luật như nộp thuế đầy đủ, thực hiện các chế độ cho người lao động, đầu tư trang-thiết bị bảo vệ môi trường... Ngoài thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới, thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết, các doanh nghiệp không thể phát triển bằng cách “khôn lỏi” mà phải nắm bắt đầy đủ các vấn đề pháp lý, vận dụng linh hoạt để có thể tồn tại và nâng cao vị thế, đủ sức cạnh tranh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước