Gia Lai: Giải quyết vướng mắc trong thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ II năm 2017 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cách đây ít ngày, nhiều đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành ghi  nhận và cam kết giải quyết nhanh chóng, thấu đáo. Điều này mở ra nhiều cơ hội khai thông vướng mắc thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm

Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh xác định, Gia Lai tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Do vậy, việc hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết. Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã gồm: Đak Đoa, Chư Sê, An Khê, Ayun Pa.

 

Lãnh đạo tỉnh lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: H.D
Lãnh đạo tỉnh lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, hiện Gia Lai vẫn chưa có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp (DN) mong muốn tỉnh sớm hoàn thành công bố quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Thượng tá Hoàng Văn Sỹ-Phó Tư lệnh Binh đoàn 15, nói: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu vì mang lại giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhưng quá trình thực hiện hiện nay còn nhiều khó khăn. Tỉnh nên sớm có quy hoạch về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở các lớp tập huấn đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách hỗ trợ cho DN”.

Nhiều DN cũng đề nghị tỉnh cung cấp thêm thông tin về trọng tâm kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, những cơ chế, chính sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này cũng như xu hướng phát triển và thị trường đầu ra của cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao. Về vấn đề này, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Về việc bố trí quỹ đất sạch để thu hút, tạo điều kiện cho DN thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở Tài nguyên và Môi trường-cụ thể là Trung tâm Phát triển Quỹ đất-đang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai”.

Cung cấp thông tin các dự án đầu tư

Cũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ II năm 2017, khi một số DN đề nghị được đầu tư phát triển Khu Du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: “Không nên phát triển du lịch bằng mọi giá”. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng việc quy hoạch, đầu tư du lịch tại đây, bởi Biển Hồ là danh thắng cấp quốc gia và là “túi nước” ngầm khổng lồ không nơi nào có. Do vậy, phải cân nhắc có nên đánh đổi nguồn nước sinh hoạt của người dân cả thành phố cho phát triển du lịch hay không và phải có quy trình nghiên cứu bài bản.

Trước đó, ông Nguyễn Trần Hanh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai đã có một số kiến nghị đáng chú ý cho việc phát triển du lịch. Theo ông Hanh: “Biển Hồ là một địa điểm đẹp nhưng hiện chưa có cơ quan quản lý. Hiệp hội Du lịch đề xuất giao cho Công ty Công trình Đô thị quản lý và khai thác để tránh rác rưởi, gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, sửa chữa lại một số điểm du lịch bị xuống cấp như làng Phung, làng Kép (huyện Chư Pah), làng Ốp (TP. Pleiku) để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc địa phương bởi đây là những địa chỉ du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch tham quan”. Còn đại diện Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Đầu tư Nông nghiệp Trường Nhân nêu ý kiến: “Chúng tôi muốn đầu tư xây dựng khu sinh thái, du lịch ở vùng Biển Hồ. Chúng tôi muốn biết tỉnh đã có quy hoạch đầu tư ở khu vực này chưa? Nếu có thì tỉnh có những chính sách hỗ trợ như thế nào cho DN?”.

Phát triển cây dược liệu hiện được Chính phủ khuyến khích, tỉnh ta cũng đặc biệt quan tâm. Song hiện trên địa bàn tỉnh, việc trồng cây dược liệu vẫn đang manh mún, nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Thực tế, nhiều DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này. “Gia Lai có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu, nhất là cây đinh lăng. Tỉnh nên hỗ trợ xây dựng vùng trồng và cung cấp giống, đồng thời tư vấn hướng dẫn người trồng. Quỹ đất ở Gia Lai lớn nhưng chưa có DN nào mạnh dạn đầu tư vì không có quỹ đất phù hợp. Nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng còn e ngại vấn đề quỹ đất. Tỉnh cần xem xét để DN mạnh dạn đầu tư”-ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, nêu ý kiến.

Để thu hút DN đến đầu tư tại Gia Lai cần nhiều điều kiện, từ nội lực, quyết tâm của DN  đến chính sách, môi trường đầu tư cũng như sự đồng thuận, hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương. Với cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành về việc thúc đẩy nhanh thực hiện quy hoạch, kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, mạnh tay xử lý hành vi nhũng nhiễu... tin rằng, tình hình thu hút đầu tư của Gia Lai sẽ sôi động và hiệu quả hơn.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước