Gia Lai:Tháo gỡ khó khăn về đất đai, môi trường cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu quỹ đất, bất cập trong công tác tính thuế tài nguyên và môi trường, xử lý rác thải môi trường… là những vấn đề được các doanh nghiệp (DN) kiến nghị lên Sở Tài nguyên và Môi trường trong buổi đối thoại mới đây.

Còn nhiều vướng mắc

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: công khai minh bạch thông tin về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN vẫn chưa hết khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, giải quyết các TTHC, xử lý môi trường, đặc biệt là những bất cập liên quan đến thuế đất, thuế tài nguyên và môi trường…

 

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: L.L
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: L.L

Nói về những bất cập trong khung giá tính thuế tài nguyên và môi trường, ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai, cho rằng: Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 1-7-2017 quy định về khung giá tính thuế tài nguyên và môi trường đối với màu sắc đá granite chưa phù hợp. Trước đây, các loại đá granite màu trắng, tím, hồng có giá bán tương đương trên thị trường. Tuy nhiên, thông tư trên lại quy định mức tính thuế tài nguyên và môi trường áp dụng với đá granite trắng, tím là 1,75 triệu đồng-2,5 triệu đồng/m3; đá granite màu hồng là 2,8 triệu đồng-4 triệu đồng/m3. Công ty chủ yếu khai thác loại đá granite màu hồng. Vì vậy, khi cộng thuế vào, giá thành bán đá granite màu hồng bị “đội” lên khá cao nên khó cạnh tranh và xuất khẩu.

Còn ông Nguyễn Hữu Sang-Trưởng phòng Tổ chức (Công ty MDF Vinafor Gia Lai) kiến nghị: “Đơn vị đang thuê 1.160 ha đất để trồng rừng nguyên liệu tại huyện Ia Grai. Tuy nhiên, trong tổng diện tích nói trên  có hơn 500 ha là đất rừng tự nhiên và đất nương rẫy. Phần đất này đã được UBND tỉnh thu hồi tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 18-5-2015. Đến thời điểm thu hồi thì phần diện tích này đơn vị chỉ thực hiện quản lý, bảo vệ mà không phục vụ mục đích của dự án. Vì thế, đơn vị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nộp thuế đối với diện tích đất này.

Trong khi đó, ông Phan Hữu Chính-Trưởng phòng Kỹ thuật Xây dựng Cơ bản (Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên) ý kiến: “Gia Lai chưa có quy hoạch đấu nối hệ thống cửa hàng xăng dầu với quốc lộ, khiến DN gặp khó khăn trong công tác đấu nối. Đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch đấu nối và có lộ trình cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện theo quy định”.

Tích cực tháo gỡ

Liên quan đến những vướng mắc trong kê khai phí nước thải, bà Mai Thị Thu Hiền-Phó Trưởng phòng Quản lý Chất lượng (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) kiến nghị: “Quy chuẩn Việt Nam 01:2015: Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải cao su yêu cầu giám sát 6 chỉ tiêu PH, BOD5, COD,TSS, TN, amoni. Tuy nhiên, Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải lại hướng dẫn kê khai phí nước thải có 6 chỉ tiêu để kê khai phí: COD, TSS, Hg, PB, CD, AS. Điều này khiến đơn vị lúng túng vì không biết phải kê khai như thế nào mới đúng?”. Đối với vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đơn vị kê khai theo hướng dẫn của Nghị định 154/2016/NĐ-CP.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông nêu ý kiến: Trung tâm Y tế của Công ty chỉ có 30 giường bệnh không thể xây lò xử lý chất thải riêng. Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty có thể phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chư Prông để xử lý.

Bên cạnh đó, kiến nghị của ông Phan Thanh Thiên-Giám đốc Công ty Trường Sinh Gia Lai, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh về vấn đề thiếu quỹ đất để trồng cây dược liệu đã được ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời và hướng giải quyết. Theo ông Du, trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh để quy hoạch bố trí đất phục vụ phát triển cây dược liệu.

Ngoài ra, việc xin chuyển mục đích đất xây nhà ở cho công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông cũng được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường gợi mở hướng xử lý. Theo đó, năm 2016, Chính phủ có văn bản quy định dừng chuyển mục đích đất rừng tự nhiên. Do đó, việc chuyển đổi đất rừng để làm nhà ở cho công nhân là không khả thi. Tuy nhiên, Công ty có thể chuyển quỹ đất trồng cao su kém hiệu quả sang xây nhà ở cho công nhân. Việc này phải  khảo sát, bố trí và thực hiện đúng quy định.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước