Phá băng tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chia sẻ tại Tọa đàm “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã gợi mở giải pháp khơi dòng vốn tín dụng đối với khối doanh nghiệp (DN) này, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Vòng luẩn quẩn

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN nhỏ và vừa hiện chiếm 97% số DN Việt Nam. Các DN này đang sử dụng 50% lao động và góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, chỉ có 30 - 40% số DN này tiếp cận vốn ngân hàng.

 

 

Nói về hiện trạng và tính cấp bách hiện nay trong việc khơi mở dòng vốn cho khối DN tư nhân nhỏ và vừa, các chuyên gia cho biết, DN thiếu vốn sẽ không thể thực hiện được các ý tưởng kinh doanh, 90% DN vì lý do này mà không lớn lên được, làm giảm sức cạnh tranh chung của cả nền kinh tế.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn khá thận trọng trong việc “mở hầu bao” cho DN tư nhân nhỏ. Bởi lẽ, với quy mô nhỏ, đối tượng DN này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, khả năng trả nợ.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phân tích khá kỹ những nhược điểm cố hữu của khối DN này. Đó là DN chưa chứng minh được hiệu quả sản xuất - kinh doanh một cách rành mạch, thiếu chuyên nghiệp trong lập báo cáo tài chính, tài sản thế chấp giá trị thấp, rủi ro rất cao…

Tuy nhiên, ông Nam cũng “gán” một phần trách nhiệm này cho các ngân hàng khi cho rằng, các ngân hàng đang hướng tới việc DN thay đổi, nhưng không nhiều ngân hàng nghĩ đến việc mình cũng phải thay đổi. Hiện các ngân hàng quá thận trọng, chưa có đột phá trong cơ chế chính sách với khối DN. “Đột phá ở đây là cơ chế cho vay linh hoạt, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay… Khung pháp lý cho vay tín chấp cũng đã có, nhưng ngân hàng vẫn quá cẩn trọng, không dám hành động”, ông Nam nói.

Hiến kế phá băng

Vì những mâu thuẫn trên, ngân hàng và các DN nhỏ rất khó tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho vay không có tài sản bảo đảm. Đầu tháng 7-2017, Thống đốc cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai kết nối vốn, cơ chế giải ngân các quỹ hỗ trợ tại các địa phương.

Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng đã chủ động hơn trong việc tiếp cận khối DN nhỏ. Chẳng hạn, Ngân hàng BIDV đã triển khai gói tín dụng cho DN siêu nhỏ với ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm. Ngân hàng ACB đã có cơ chế cho DN vay tín chấp với lãi suất linh hoạt…

Ngoài ra, Ngân hàng PVcomBank cũng đã triển khai gói ưu đãi vay “Linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng” cho DN nhỏ, với tổng hạn mức lên đến 1.500 tỷ đồng, lãi suất vay ưu đãi từ 7,5%/năm. Để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp, PVcomBank cho phép người vay thế chấp tài sản từ người thân với các loại tài sản khác nhau như bất động sản, sổ tiết kiệm, ô tô...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, một trong những giải pháp để ngân hàng quản lý rủi ro trong việc rót vốn cho DN nhỏ là thực hiện việc cho vay theo chuỗi. Theo ông Phong, các DN cần chủ động liên kết với nhau, tạo nên chuỗi giá trị, tăng quy mô… Ngoài ra, DN cũng có thể huy động vốn tăng vốn tự có bằng phát hành cổ phiếu.

Thực tế cho thấy, nút thắt của dòng vốn hiện nay với khối DN nhỏ là vấn đề lòng tin, bởi ngân hàng sợ cho vay vì chưa đủ niềm tin. Để khắc phục việc này, ngân hàng cũng phải chủ động hỗ trợ các khách hàng tương lai này, như hỗ trợ về quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống báo cáo tài chính chuyên nghiệp, tạo chuỗi liên kết cho các nhóm doanh nghiệp… “Nếu ngân hàng làm được những việc này thì thông tin giữa DN và ngân hàng sẽ rõ ràng, đầy đủ hơn, tăng niềm tin với nhau”, ông Nam chia sẻ.

Chí Tín/baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm