Phát triển cây dược liệu: Cơ hội mới cho người nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu tháng 3-2017, Công ty TNHH Phát triển Khoa học quốc tế Trường Sinh Gia Lai đã khởi công Dự án cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm với quy mô 71.200 m2,  tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, dự kiến sau 4 tháng sẽ đi vào hoạt động. Đây là cơ hội cho hàng ngàn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể là trồng cây dược liệu đem lại thu nhập cao.

  Phối cảnh cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm của Công ty Trường Sinh.
Phối cảnh cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm của Công ty Trường Sinh.

Quy mô dự án gồm 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng gồm: nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng; nhà máy sản xuất nước uống từ thảo dược; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sinh học công nghệ cao; nhà máy sản xuất chai lọ; nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và thức ăn bổ sung từ thảo dược cho thủy sản. Dự án sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho ngành nông nghiệp sản xuất dược liệu trên địa bàn và các tỉnh lân cận; qua đó góp phần phát triển kinh tế cũng như xử lý và cải tạo nguồn tài nguyên đất. Đặc biệt, có đến 200 tỷ đồng dành để đầu tư xây dựng khu trồng dược liệu Trường Sinh.

Theo ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Sinh, từ xa xưa, để tồn tại con người đã biết tìm kiếm các loại thảo dược có sẵn trong tự nhiên làm thức ăn và chữa trị một số bệnh, từ đó đã tạo nên những kinh nghiệm được lưu giữ và truyền đời. Điển hình là các loại dược liệu như: nhân sâm, hồng ngọc, atisô, nhãn lồng, vàng đắng, hà thủ ô, đinh lăng, chó đẻ… Thảo dược với nhiều thành phần acid amin, acid hữu cơ, nhóm kháng sinh thực vật, các nhóm nguyên tố vi lượng, nhóm vitamin B1, B2, C… không những là nguồn nguyên liệu quý dùng để chăm sóc sức khỏe mà còn có những công dụng tuyệt vời trong việc làm đẹp. Thảo dược ngày càng khẳng định vai trò, tác dụng và nâng tầm vị thế khi nền Tây y hiện đại với những thành tựu lớn lao về tân dược vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Thảo dược có thể thay thế hầu hết các hóa chất kháng sinh, chữa trị hữu hiệu các bệnh ở người và vật nuôi như các bệnh về đường ruột, gan và một số căn bệnh nan y ở người như tiểu đường, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống… Đó là lý do Công ty quyết định đầu tư dự án này.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, sẽ có 2 nhà máy đi vào hoạt động, góp phần tích cực trong công tác xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, tạo hàng ngàn việc làm cho dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ông Phan Thanh Thiên cho biết thêm: Để giúp bà con nắm bắt các kỹ thuật trồng cây dược liệu và chuyển đổi cây trồng, thời gian tới Tập đoàn sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo về trồng cây dược liệu. Hiện Tập đoàn đang được tỉnh lên kế hoạch cấp đất (trên 30 ha) làm vườn ươm dược liệu; một phần kinh phí từ 200 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu sẽ được dành để hỗ trợ nông dân cây giống và phân bón. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ làm  việc với các ngân hàng để tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển vùng cây dược liệu. Theo tính toán của Tập đoàn, với mỗi ha trồng cây dược liệu như đinh lăng, hồng ngọc, xuyên tam liên… người nông dân sẽ thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây công nghiệp mang giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây thảo dược mang giá trị kinh tế cao sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân thoát nghèo.

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước