Công ty Cà phê 705: Đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nếu muốn tồn tại trong ngành cà phê thì con đường duy nhất là phải thực hiện tái canh”-ông Trần Văn Quyết-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705 khẳng định.   

 Agribank Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng tái canh cà phê với Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705.                                                                               Ảnh: S.C
Agribank Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng tái canh cà phê với Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705. Ảnh: S.C

Trong những năm qua, tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được xác định là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm thay thế những vườn cây già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất, chất lượng thấp. Đây cũng là vấn đề nằm trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh cà phê năng suất cao, đảm bảo sản lượng, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Là doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705 (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) từ lâu đã xác định, tái canh cà phê không chỉ là yêu cầu bức thiết của đơn vị mà còn là con đường duy nhất để tồn tại, phát triển lâu dài.
 

Theo chủ trương của Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705, năm 2017, đơn vị tiếp tục thanh lý 100 ha cà phê già cỗi để tái canh trồng mới. Mục tiêu đến năm 2022, 100% diện tích cà phê còn lại được thanh lý để tái canh.

Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705 hiện có 517 ha cà phê, hầu hết được trồng trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2005, Công ty đã tích cực cải tiến phương pháp sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn thâm canh cho vườn cây, điều chỉnh phương án khoán phù hợp. Nhờ đó, vườn cây cho năng suất bình quân 3,5 tấn-4,5 tấn nhân/ha, chất lượng sản phẩm luôn ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, sản lượng, chất lượng vườn cây sụt giảm. Đây là nguyên nhân buộc Công ty phải thanh lý 144 ha, chuyển đổi sang trồng cây cao su.

Năm 2008 trở lại đây, Công ty tiếp tục thanh lý, cải tạo đất để chờ tái canh gần 100 ha. Phần diện tích vườn cây còn lại (250 ha) cũng đã già cỗi (hơn 25 năm tuổi) nên năng suất bình quân chỉ đạt dưới 2 tấn nhân/ha. Thực trạng giá cà phê xuống dốc nhiều năm, cộng với năng suất, sản lượng sụt giảm dưới ngưỡng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cũng như thu nhập của người lao động. Điều này càng thúc bách doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt về tài chính, tìm ra lối đi mới.

Thực hiện đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705 đã được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt phương án tái canh 100 ha cà phê vối từ năm 2016-2022, nguồn vốn vay tái canh tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) huyện Ia Grai 17,6 tỷ đồng.

Trao đổi về kế hoạch tái canh, ông Trần Văn Quyết-Giám đốc Công ty cho biết: “Đây là kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho doanh nghiệp. Từ năm 2008 và 2009, Công ty đã thực hiện tái canh thành công trên diện tích 10 ha, là động lực để tiếp tục mở rộng diện tích tái canh lên đến 100 ha như hiện nay. Để chương trình thành công, chúng tôi xác định làm kỹ càng, chắc chắn từ khâu chuẩn bị đất, lựa chọn giống, lao động nhận khoán, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tái canh. Một khi đồng vốn đã bỏ xuống vườn cây thì phải thận trọng, không thể khác hơn được”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm