Khi doanh nhân được lắng nghe và chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-6, Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ tổ chức chương trình tọa đàm “Cà phê doanh nhân” chủ đề “Giao lưu, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh với doanh nhân thời kỳ hội nhập và phát triển” với sự tham gia của 70 doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh.

Lần đầu tiên “Cà phê doanh nhân” tại Gia Lai chào đón sự tham dự của những vị lãnh đạo cao nhất tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, cùng đại diện các ngân hàng thương mại, đại diện lãnh đạo một số sở ngành của tỉnh.

 

Quang cảnh tọa đàm “Cà phê doanh nhân”.       Ảnh: H.D
Quang cảnh tọa đàm “Cà phê doanh nhân”. Ảnh: H.D

Mở đầu chương trình, ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Ủy ban Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai chia sẻ một số kiến thức, kinh nghiệm làm giàu cho các doanh nhân trẻ trong kỳ hội nhập TPP và FTA. Theo đó, để hội nhập, các doanh nhân phải vô cùng năng động, sáng tạo, mạnh dạn và tự tin, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, điều nghiên kỹ càng thị trường... Theo ông Thiên, doanh nhân trẻ Gia Lai cần lắm những sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý có liên quan.

Vấn đề vốn được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Sau thời gian khủng hoảng, các doanh nghiệp đang dần “xốc” lại và có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn thời điểm này vẫn không hề dễ dàng. Giải đáp về vấn đề này, ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Gia Lai nói: “Cách đây 10 năm, vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp không làm các ngân hàng thương mại suy nghĩ nhiều và cảm nhận về những rủi ro rất ít. Nhưng nay, với doanh nghiệp, chúng tôi cảm nhận sự rủi ro quá lớn, rủi ro về thị trường, về khả năng tài chính, về cách sử dụng vốn và về cả uy tín của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa niềm tin của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp vơi đi nhiều”.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Tôi thấy hình thức tổ chức “Cà phê doanh nhân” là cách làm mới lạ, là cuộc gặp gỡ, trao đổi nhẹ nhàng, cởi mở giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nhân. Lãnh đạo tỉnh nhất định sẽ tham dự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, chia sẻ với doanh nhân. Nếu thuộc thẩm quyền thì UBND tỉnh cùng với các sở, ngành có liên quan tập trung giải quyết. Nếu vấn đề doanh nhân nêu thuộc về chính sách, những vấn đề thuộc tầm Trung ương, UBND tỉnh sẽ tập hợp và xem xét để kiến nghị lên Trung ương”.

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới khá nhiều, nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động cũng không ít. Tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chia sẻ: “Tôi buồn vì doanh nghiệp Gia Lai nói chung, doanh nghiệp trẻ nói riêng còn quá nhỏ bé. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.300 doanh nghiệp, nhưng trong đó 79% là doanh nghiệp siêu nhỏ, 12% doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 9% doanh nghiệp lớn và vừa, mà 9% doanh nghiệp lớn và vừa đó lại chủ yếu đi đầu tư ở nơi khác. Ngành Ngân hàng báo cáo hiện dư nợ 60.000 tỷ đồng, vui mừng gì khi số tiền này, các doanh nghiệp đem đi đầu tư ở những nơi khác chứ không phải tại Gia Lai? Nhiều doanh nghiệp vốn có hạn mà dự án nào cũng xin, cũng đăng ký, rồi thì treo. Cứ vậy thì tới khi nào Gia Lai mới phát triển? Doanh nhân trẻ là phải năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới... Nhưng sao chúng ta lại để Gia Lai như thế này?”.

Sự gần gũi, chân thành của lãnh đạo tỉnh khiến các doanh nhân cởi mở hơn. Nhiều kiến nghị, đề xuất hay cũng được các doanh nhân gửi đến lãnh đạo tỉnh. Ví như tỉnh cần có cuộc bình chọn những sản phẩm tốt, những thương hiệu mạnh, từ đó giới thiệu các sản phẩm, các thương hiệu này ra cả nước. Có doanh nghiệp quan tâm đến việc “chảy máu chất xám” khi sinh viên ra trường hầu hết đều ở lại các thành phố lớn để làm việc chứ không về tỉnh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp tại Gia Lai không có nhân viên giỏi. Do vậy, tỉnh cần có chính sách hợp lý để thu hút nhân tài quay về phục vụ tỉnh nhà. Bên cạnh đó, tỉnh cần lập đường dây nóng để doanh nhân có thể ngay lập tức phản ánh vấn đề của mình và được ghi nhận ý kiến để xử lý. Tỉnh cũng cần có cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp và giới thiệu các dự án đang kêu gọi đầu tư để doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận và được đầu tư...

Đáp lại, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Tỉnh luôn ưu tiên các dự án đầu tư cho các doanh nghiệp tại Gia Lai, sẽ tạo mọi điều kiện cho các bạn làm giàu, để các bạn vươn lên và vươn xa thì càng tốt. Mong các doanh nghiệp cố gắng tập hợp, đoàn kết, cùng sáng tạo, cùng đổi mới tư duy để Gia Lai phát triển”. Và để doanh nghiệp có thể vươn cao, vươn xa, ông Lâm Quốc Vinh cho rằng: “Doanh nhân phải tự tin. Ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai, bây giờ, có thể họ đang rất khó khăn nhưng điều đó không thể phủ nhận cái tâm và cái tầm của ông Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức thực sự là người tự tin và nỗ lực vươn lên. Doanh nhân chúng ta cũng phải tự tin. Vì sao doanh nghiệp hiện nay khó tiếp cận vốn ngân hàng? Đối với ngân hàng, doanh nghiệp phải có uy tín và khi đã vay vốn được rồi thì phải sử dụng nguồn vốn thật hiệu quả”.

Chỉ trong khuôn khổ một buổi, nhưng có thể thấy “Cà phê doanh nhân” đã được tổ chức thành công. Qua đây, các doanh nhân trẻ tự tin nói lên những vấn đề của doanh nghiệp mình trong quá trình hoạt động, đồng thời nhận được sự lắng nghe, chia sẻ, ghi nhận của lãnh đạo tỉnh. Theo đó, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời để nhanh chóng giải quyết.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước