Chư Prông: Những "hai lúa" vượt khó làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giai đoạn 2017-2021, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có hơn 4.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hội viên nông dân trong quá trình lao động sản xuất.

Vượt khó làm kinh tế giỏi

Sau khi lập gia đình, anh Siu Ngoan (làng Goòng, xã Ia Púch) được bố mẹ cho gần 10 ha đất. Tuy nhiên, đất đai cằn cỗi nên chỉ trồng mì. Đến năm 2009, thấy trồng mì thu nhập thấp, anh chuyển sang đầu tư trồng cao su và điều. Năm 2016, anh tiếp tục trồng xen 700 cây cà phê vào vườn điều. Ngoài ra, anh còn đầu tư chăn nuôi bò để lấy phân bón cho vườn cây. Nhờ đó, gia đình anh thu nhập 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Anh Ngoan chia sẻ: “Tôi vẫn cố gắng cải tạo đất và chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định nhất”. Ông Siu Blết-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Púch-nhận xét: Anh Ngoan là hội viên rất chăm chỉ và năng động trong chuyển đổi cây trồng, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Nhờ đó, anh đã từng bước tăng thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước.

Nhiều hội viên nông dân được UBND huyện Chư Prông khen thưởng vì vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Ảnh: Hồng Thương
Nhiều hội viên nông dân được UBND huyện Chư Prông khen thưởng vì vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Ảnh: Hồng Thương


Trong khi đó, với diện tích đất sản xuất hơn 1,5 ha nhưng nhờ biết học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây trồng, kết hợp kinh doanh hàng tạp hóa, mỗi năm, gia đình ông Trần Hữu Minh (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) lãi hơn 420 triệu đồng. Hiện ông đang tạo việc làm cho 6 lao động và giúp đỡ về vốn, kỹ thuật cho 6 hộ dân. Ông chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai”.

Tỷ phú trên biên giới

 

Bà Siu H'Ler-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông: Những năm qua, nhiều nông dân trong huyện đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư thay đổi giống mới có năng suất, chất lượng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, họ đã tạo dựng mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình cũng như góp phần hỗ trợ các hộ dân xung quanh.

Gia đình bà Đoàn Thị Xuyên (thôn Phố Hiến) có hàng chục héc ta lúa nước 2 vụ ở xã biên giới Ia Lâu. Ngoài ra, bà còn trồng 8 ha điều và mở cơ sở xay xát. Nhờ đó, mỗi năm, bà lãi hơn 1 tỷ đồng. Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, bà Xuyên cũng đã trải qua nhiều năm “chân lấm tay bùn” với ruộng rẫy. Bà Hoàng Thị Vương-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Lâu-nhìn nhận: “Bà Xuyên rất nỗ lực trong phát triển sản xuất. Ngoài nâng cao thu nhập cho gia đình, bà còn tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương, giúp 5 hội viên vay 100 triệu đồng để phát triển sản xuất và hỗ trợ nhiều hộ dân về kỹ thuật sản xuất. Bà cũng tích cực đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Tương tự, nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, gia đình ông Phạm Văn Diệm (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng) đã có cơ ngơi tiền tỷ với 10 ha cây trồng các loại cùng đàn dê 20 con và cửa hàng thu mua nông sản, kinh doanh phân bón. Năm 2000, ông Diệm quyết định vay mượn để mua 1 ha đất trồng cà phê kết hợp mở tiệm sửa chữa cơ khí. Khi cà phê cho thu hoạch, vợ chồng ông thu mua nông sản và kinh doanh phân bón. Cứ có tiền, ông lại đầu tư vào mua đất trồng trọt và chăn nuôi dê. Trung bình mỗi năm, ông lãi gần 1 tỷ đồng. Ông chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài chăm chỉ thì cần phải năng động trong phát triển sản xuất kinh doanh và đặc biệt là mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng giống mới vào canh tác để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Rơ Châm Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boòng-nhận xét: “Ông Diệm là cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế. Hiện nay, ngoài tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, ông còn giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho 36 hộ khó khăn. Ông nhiều lần được khen thưởng vì thành tích trong sản xuất cũng như hỗ trợ giúp đỡ người dân cùng phát triển”.

 

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Mua hàng online

Mua hàng online

(GLO)- Hiện nay, internet bao phủ khắp toàn cầu, nhiều trang web bán hàng online xuất hiện. Trên đó là đủ các mặt hàng thượng vàng hạ cám, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người.