Gia Lai mất gần 8.000ha rừng tự nhiên như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ trong khoảng 5 năm (từ đầu năm 2016 đến tháng 5-2020), Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện mất 7.700ha rừng tự nhiên, với nhiều tiêu cực xảy ra ngay chính trong bộ máy quản lý bảo vệ rừng.

Qua thanh tra tại 21 ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có 14 kết luận và chuyển 8 hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh.
Qua thanh tra tại 21 ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có 14 kết luận và chuyển 8 hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh.


Biến đất rừng thành đất nhà

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, năm 2007 UBND tỉnh Gia Lai có quyết định thu hồi 400.000m2 thuộc lâm phần BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để xây dựng Khu công nghiệp Diên Phú tại TP Pleiku.

Lợi dụng việc chuyển đổi này, bà Mai Thị Ngọc Thỏa - khi đó là nhân viên BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ - đã nộp hai hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với hai thửa đất có nguồn gốc từ đất rừng phòng hộ (có tổng diện tích hơn 3ha) tại bộ phận một cửa của UBND TP Pleiku và được chấp thuận.

Một năm sau, bà Thỏa chuyển nhượng hai thửa đất trên cho ông Đặng Văn Cườm (đồng nghiệp cơ quan) và ông Đặng Xuân Thu (nguyên phó trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) mỗi người hơn 1ha.

Thấy có thể biến đất rừng phòng hộ nơi mình đang quản lý thành đất của riêng, năm 2012 ông Nguyễn Đức khi mới nhậm chức trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cũng lập hồ sơ xin cấp giấy sử dụng đất đối với diện tích gần 1,7ha đất rừng phòng hộ.

Nhưng khác với bà Thỏa, ông Đức khai nguồn gốc đất là nhận chuyển nhượng của người khác và được TP Pleiku cấp giấy chỉ sau 1 tháng (tháng 6-2012). Việc chuyển đất rừng thành đất nhà này chỉ bị phát hiện khi Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc (năm 2017) và chuyển kết quả sang cơ quan điều tra.

Thế nhưng, hai vụ việc trên vẫn chưa là gì so với vụ việc mà dư luận ở Gia Lai vẫn còn xôn xao. Đó là việc ông Tưởng Tín, nguyên cán bộ BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, được UBND TP Pleiku cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 40ha (đất vườn) vào năm 1994.

Vợ ông Tín là bà Nguyễn Thị Liễu cũng được cấp giấy CNQSDĐ cho 45,7ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với hai vụ này, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết khi làm việc với UBND TP Pleiku thì lãnh đạo TP này cho biết đã mất hồ sơ nên không có căn cứ xử lý (?!).

Làm mất 551ha rừng vẫn không bị khởi tố

Thanh tra tỉnh Gia Lai trong quá trình thanh tra tại các BQL rừng đã chuyển nhiều hồ sơ mất rừng sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, việc xác định giá trị thiệt hại đối với diện tích rừng bị mất là rất khó khăn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh từng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh cho biết cơ sở giám định xác định trữ lượng gỗ, hiện trạng đất rừng, tài sản trên đất bị thiệt hai.

Tuy nhiên vào tháng 10-2017, Sở NN&PTNT có văn bản cho rằng không có đủ cơ sở và khả năng để định giá trị thiệt hại thành tiền vì việc đo đạc hiện trạng không xác định được trữ lượng gỗ chính xác ở thời điểm rừng bị lấn chiếm, chồng lấn.

Đơn cử như vụ thanh tra tại BQL rừng phòng hộ Ayun Pa, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện BQL rừng phòng hộ Ayun Pa để mất hơn 551ha rừng (từ năm 2015-2018) nhưng không kịp thời theo dõi, thống kê đối tượng, diện tích rừng bị phá, tình trạng đất lấn chiếm.

Vụ việc trên sau đó được chuyển sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên mới đây, Công an tỉnh Gia Lai có thông báo không khởi tố vụ án hình sự với lý do là hành vi không cấu thành tội phạm. Giải thích lý do này, một cán bộ điều tra Công an tỉnh Gia Lai nói: "Không khởi tố vụ án là vì do không định giá được thiệt hại là bao nhiêu để làm cơ sở khởi tố"(!?).

Không thể ngăn phát rừng làm rẫy

Theo một cán bộ Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong quá trình thanh tra đơn vị đã phát hiện một điểm chung nhất về việc mất rừng trong thời gian dài là không ngăn được phát nương làm rẫy.

"Người dân địa phương và có cả doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý bảo vệ rừng để phát nương làm rẫy. Ban đầu người dân phát một mảnh nhỏ, sau đó nới rộng diện tích nương rẫy này ra. Cứ thế, rừng ngày một thu hẹp lại" - vị cán bộ thanh tra nói.

Điển hình cho lời cán bộ thanh tra nói trên là vụ việc: vào tháng 9-2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện BQL rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.200ha rừng. Qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí là hành lang 100m chừa lại dọc theo quốc lộ 14C thì có 110 hộ gia đình lấn chiếm đất làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4ha.

Các hộ này chủ yếu là công nhân của các doanh nghiệp Công ty Quốc Cường và Công ty Bình Dương cùng một số hộ dân di cư tự do.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện việc xâm chiếm đất rừng, cư trú bất hợp pháp như trên, chính quyền địa phương cũng như BQL rừng phòng hộ Ia Puch không xử lý dứt điểm, vẫn để các hộ dân tiếp tục cơi nới, mở rộng diện tích lấn chiếm.

Từ đó thanh tra đã phát hiện tiếp có hơn 868ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp tại khu vực trên.

Có một thực tế khác là cán bộ bảo vệ rừng biết rừng bị lấn chiếm nhưng không báo cáo mà... im lặng che giấu. Ở BQL rừng phòng hộ Ia Grai, ông Ngô Càng Thanh, nguyên trưởng ban (giai đoạn trước năm 2015) và ông Lê Tiến Hiệp, trưởng ban hiện tại, đã để mất hơn 360ha rừng.

Dù để rừng bị lấn chiếm nhưng hằng năm BQL rừng phòng hộ Ia Grai không thống kê, báo cáo thực trạng tình hình và nguyên nhân mất rừng cho các cơ quan chức năng. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc thống kê diện tích rừng hoặc số liệu thống kê tổng diện tích rừng hiện tại có thể bị sai số khá lớn.

 



Những khối gỗ chất đống do lực lượng chức năng phát hiện thu giữ đưa về trụ sở quản lý bảo vệ rừng ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - Ảnh: H.C.ĐÔNG
Những khối gỗ chất đống do lực lượng chức năng phát hiện thu giữ đưa về trụ sở quản lý bảo vệ rừng ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - Ảnh: H.C.ĐÔNG


Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển 8 vụ vi phạm công tác bảo vệ rừng sang Công an tỉnh Gia Lai để điều tra dấu hiệu phạm tội tại các BQL rừng gồm: BQL rừng Ayun Pa, BQL rừng Đức Cơ, BQL rừng Chư Mố, BQL rừng Ia Puch, BQL rừng Ia Grai, BQL rừng Bắc Biển Hồ, BQL rừng Bắc An Khê và BQL rừng Ya Hội.

Tuy nhiên, trong 8 vụ việc trên, cơ quan cảnh sát điều tra chỉ mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 vụ ở BQL rừng Bắc Biển Hồ, BQL rừng Ia Grai, BQL rừng Ia Puch.

Tây Nguyên còn 2,2 triệu ha rừng

Theo số liệu tại hội nghị Tăng cường công tác bảo vệ rừng Tây Nguyên (tháng 6-2020) do Bộ NN&PTNT chủ trì, diện tích rừng Tây Nguyên chiếm gần 18% diện tích rừng cả nước. Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng các tỉnh Tây Nguyên còn 2,2 triệu ha rừng tự nhiên.

Thế nhưng, cũng chỉ riêng trong năm 2019, Tây Nguyên đã mất hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên. Ba tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (hơn 11.000ha), Đắk Nông (hơn 7.000ha), Gia Lai (gần 500ha)...


Theo HUỲNH CÔNG ĐÔNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.