Chiêu trò like video trên Tiktok để kiếm tiền: Hàng nghìn người sập bẫy lừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu tư các gói nhiệm vụ với nội dung chỉ cần like video trên Tiktok là tiền tự chảy về tài khoản và mời thêm càng nhiều người thì càng có thêm hoa hồng hấp dẫn, hàng ngàn người đã dính bẫy lừa kiếm tiền online với đủ thứ chiêu trò tinh vi. Ảo vọng “ngồi mát ăn bát vàng” khi thu nhập hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng bỗng tan thành mây khói.

 Hệ thống kiếm tiền online từ like video TikTok còn quảng cáo sẽ tặng thưởng cả ôtô cho thành viên tích cực. Ảnh: Đình Trường
Hệ thống kiếm tiền online từ like video TikTok còn quảng cáo sẽ tặng thưởng cả ôtô cho thành viên tích cực. Ảnh: Đình Trường



Like video Tiktok là có tiền

Một ngày đầu tháng 11.2020, anh Phan Văn Tân (sinh năm 1990, Xuân Đỉnh, Hà Nội) được một người quen giới thiệu cho website có tên Like Share (tại địa địa chỉ likevi789.com), một trang được cho là có thể kiếm tiền thông qua việc nhấn like các video trên ứng dụng Tiktok.

Theo đó, trang web này đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên bao gồm Đồng, Bạc, Vàng, Bạch Kim và Kim Cương với các mức giá từ 960 ngàn đồng đến 27 triệu đồng. Nhiệm vụ để kiếm tiền cũng hết sức đơn giản. Thành viên chỉ cần lên Tiktok, nhấn follow và like bất kỳ một video nào rồi chụp ảnh màn hình gửi cho website này. Gói có mức giá càng lớn thì được làm càng nhiều nhiệm vụ trong một ngày. Khi hoàn thành các gói nhiệm vụ, thành viên có thể có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng và hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Muốn lời được cao thì phải mua gói đắt tiền, làm được nhiều nhiệm vụ. Mình khi vào mua ngay gói Bạch Kim, được khuyến mãi còn 8.600.000, làm 68 nhiệm vụ/ngày. Theo họ hứa hẹn chỉ việc like video Tiktok rồi báo về là có hơn 20 triệu đồng/tháng, gần 250 triệu đồng/ năm. Mà cái này cứ hết ngày là tiền nó về tài khoản ngay nên người ta tham gia đông lắm" - anh Tân cho biết.

Đáng chú ý, theo anh Tân cho biết, hệ thống của trang Like Share còn có cách thức mở rộng thành viên kiểu đa cấp. Thành viên cũ khi mời thêm được người mới sẽ được hưởng “hoa hồng" ứng với số tiền mà người mới mua gói nhiệm vụ. “Mọi người cứ rủ nhau vào chơi, mỗi người có một cái mã số. Lúc đăng ký cho người mới của mình, họ sẽ nhập cái mã giới thiệu đấy vào là mình được hưởng phần trăm của họ. Khi họ mua gói nhiệm vụ là mình sẽ có tiền" - anh Tân nói.

Cụ thể, cấp trên sẽ được hưởng 15% từ người mới do mình trực tiếp giới thiệu (còn gọi là F1), hưởng thêm 6% từ người mà F1 giới thiệu (tức F2) và hưởng tiếp thêm 3% từ người F2 giới thiệu (tức F3). Chưa kể, để hút người dùng nạp tiền mua gói nhiệm vụ, trang web Like Share còn thường xuyên đưa ra các chương trình giải thưởng, quảng cáo sẽ tặng điện thoại thông minh, thậm chí là tặng ôtô cho thành viên tích cực.

Theo tìm hiểu của PV, Like Share không phải hệ thống duy nhất tồn tại, cũng với phương thức hoạt động là yêu cầu người dùng like các video trên Tiktok để kiếm tiền, một trang mạng khác có tên Golden Hand thu hút đông đảo người dùng tham gia với hứa hẹn lãi suất “khủng". Theo anh Lê Văn Đại (28 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Golden Hand (tại địa chỉ https://app.goldfingeronline.com) bán các gói nhiệm vụ like video TikTok với tên gọi từ “vip1” đến “vip4”, tương ứng với số tiền nạp vào từ 500.000 đồng đến hơn 60 triệu đồng. Chưa hết, một gói vip có thể mua được nhiều gói nhiệm vụ để tăng thu nhập cho mình. Trang này quảng cáo thu nhập của gói cao nhất lên tới 21 triệu đồng mỗi tháng và 260 triệu đồng mỗi năm.

Để mở rộng thành viên, Golden Hand cũng trả hoa hồng tương ứng với các gói vip. Đơn cử như người tham gia gói vip4 sẽ được hưởng 14% số tiền mà F1 do mình giới thiệu và cả từ những cấp dưới tiếp theo khi họ gia nhập hệ thống.

Hàng nghìn người sập bẫy

Đến ngày 15 và 18.11, hệ thống của Like Share và Golden Hand bất ngờ dừng hoạt động. Khách hàng không thể rút được tiền như những ngày trước đó và website đã không thể truy cập. Hàng nghìn nạn nhân ngã ngửa vì trót nạp vào các hệ thống này một lượng tiền lớn mà không kịp trở tay.

“Chúng tôi không biết tìm ai cả. Mỗi lần chuyển khoản nạp tiền lại có một địa chỉ khác nhau. Trang web cũng không ghi rõ tên tổ chức, công ty hay cá nhân nào đứng sau để giải quyết vụ việc" - anh Phan Văn Tân, người tham gia hệ thống của Like Share nói với phóng viên.

Trong một nhóm kín tập hợp các nạn nhân bị mất tiền khi đầu tư vào Like Share, nhóm này có gần 2.000 thành viên liên tục đăng tải biên lai chuyển khoản mua gói nhiệm vụ để tố cáo. Chị Nguyễn Thị Thoa (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết tham gia hệ thống của Like Share từ ngày 10.11. “Ở Bắc Ninh nhiều người tham gia cái này lắm. Thể lệ chơi là được nhận tiền khi like video trên TikTok. Nhưng tôi vào được mấy hôm thì sập” - chị Thoa nói. Người này cho biết đã ban đầu tham gia gói Bạch Kim với giá 8.400.000 đồng và sau đó nạp thêm 38.000.000 đồng để nâng cấp tài khoản. Tuy nhiên mới làm nhiệm vụ được vài hôm và rút được khoảng 10.000.000 đồng thì hệ thống đã ngừng hoạt động.

Một trường hợp tương tự khác, chị Nguyễn Thị Hiền (địa chỉ tại Lâm Đồng) cho biết tham gia hệ thống Like Share này từ ngày 9.11. “Tôi tham gia hệ thống này qua giới thiệu của một người bạn. Lúc đầu tôi nạp 2.700.000 đồng tương đương với gói Vàng. Sau đó tôi tiếp tục nạp 17.000.000 đồng để nâng cấp. Nhưng mới thu về được gần 2.000.000 đồng thì không thể rút thêm được nữa" - chị Hiền nói.

Theo cập nhật của PV, hiện các nạn nhân bị mất tiền bởi hệ thống kiếm tiền từ like video trên Tiktok đã làm đơn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để tố cáo sự việc.

Thận trọng với việc đầu tư trên mạng

Kiếm tiền online từ tương tác video Tiktok thực chất là một hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình, hòng kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Các trang web hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc. Trước đó, nhiều người dân trên cả nước cũng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mời xem video để kiểm tiền. Thành viên được yêu cầu nạp 250.000 đồng để xem các video trên YouTube và sẽ có tiền. Nhưng sau đó các trang web cũng bất ngờ dừng hoạt động.

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc có thể trở thành công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong khi nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo và ngày càng biến tướng, luật sư khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn đầu tư vào bất cứ hoạt động nào trên mạng.

“Nhà đầu tư không nên tham gia những hoạt động như vậy, bởi nếu có rủi ro xảy ra thì không được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần xem xét, chú ý những giao dịch qua tài khoản đáng ngờ khi số tiền giao dịch quá lớn và phải báo cáo ngay cho ngân hàng nhà nước biết” - luật sư Lực cho biết.

 

https://laodong.vn/phap-luat/chieu-tro-like-video-tren-tiktok-de-kiem-tien-hang-nghin-nguoi-sap-bay-lua-857325.ldo

Theo ĐÌNH TRƯỜNG - CHU LINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.