Giá bia rượu không tăng: Tác động từ Nghị định 100 của Chính phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi lấy làm lạ khi 26 tháng Chạp mà Pleiku đã có tin bia Heineken “đứt hàng”. Quái, sao anh em cơ quan kháo nhau năm nay bia rượu không tăng, thậm chí có thể rớt giá sâu kia mà? Không chừng đây là kiểu đầu cơ làm giá như nhiều Tết từng diễn ra? Thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập đến từng cây kim sợi chỉ mà đầu cơ găm giá thì chỉ có... chết! Nhưng thực hư chưa biết, phải khảo sát thực tế mới tin.
Làm một vòng quanh mấy chỗ quen. Qua quán tạp hóa anh Nghĩa (đường Hùng Vương) hỏi bia Heineken, anh bảo: “Hết rồi”. Quán anh Tèo (đường Nguyễn Trung Trực) cũng không nốt. Nhưng anh Tèo lý giải thêm: Chẳng phải khan hiếm gì đâu, lý do anh trữ ít bia Heineken vì khu vực này bà con không mấy dư dả mà đa phần là dân lao động phổ thông. Vòng lên quán chị Thân (đường Nguyễn Viết Xuân) hỏi thì bia Heineken vẫn còn. Chị còn giới thiệu một loạt bia đang có: Larue, Saigon giá dao động 230-235 ngàn đồng/thùng 24 lon, Heineken 390 ngànđđồng/thùng 24 lon, Tiger 330-335 ngàn đồng/thùng 24 lon... Chưa tin, tôi gọi cho cô em quen biết là chủ một đại lý bia rượu, nước giải khát có tiếng ở Pleiku để kiểm tra và nhận được trả lời kiểu... móc họng: “Ai nói anh bia Heineken đứt hàng? Anh muốn mấy chục thùng, em chuyển tới chưa đầy... 3 nốt nhạc”.
  Dịp Tết Nguyên đán 2020, nhiều loại bia, rượu vẫn giữ giá ổn định. Ảnh internet
Dịp Tết Nguyên đán 2020, nhiều loại bia, rượu vẫn giữ giá ổn định. Ảnh internet
Vòng vo tự lý giải, tìm hiểu quanh mình, khảo sát mạng xã hội, báo chí, có lẽ chẳng riêng tôi mà nhiều người đều ít nhiều có câu trả lời vì sao Tết năm nay bia rượu không tăng giá. Tôi cho rằng đời sống kinh tế của một bộ phận cư dân khó khăn, nhu cầu tiêu thụ bia rượu không cao là dĩ nhiên, nhưng chưa thỏa đáng, vì không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất và sản lượng tiêu thụ bia rượu nói chung. Vì năm qua, kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng ổn định, còn vượt kế hoạch đề ra. Với Gia Lai, nhiều nông sản chủ lực mất giá, mất mùa, cơn lốc dịch bệnh càn quét cây hồ tiêu khiến bao gia đình khốn đốn. Nhưng đó chỉ là một bộ phận và thiệt hại, ảnh hưởng cũng đã có độ lùi nhất định. Trong khi đó, trên bình diện chung, các cây trồng khác, các khu vực kinh tế khác vẫn tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực. Chống chịu rồi vượt qua khó khăn, kinh tế dần ổn định và phát triển là điều kiện để người dân xuân này đón một cái Tết không đến nỗi nào. Nhu cầu mua sắm vì vậy cũng không đến mức tùng tiệm quá đáng, trong đó có bia rượu như một thức uống truyền thống.
Vậy thì nguyên nhân bia rượu không tăng giá là do đâu? Không gì khác là do Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Mức phạt khiến nhiều “ma men” hãi hùng, với người điều khiển ô tô có thể lên đến 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 2 năm nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất. Đã có không ít phản ứng thái quá của người điều khiển phương tiện bị xử phạt. Bao biện chỉ một ly rượu thuốc nhưng ngành chức năng không tha: phạt 7 triệu đồng! Nghị định 100 đi vào cuộc sống nhanh một cách bất ngờ và cũng phát huy tác dụng một cách không ngờ. Cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán xá thưa thớt hoặc vắng khách là có thật.
Vì sao như vậy? Vì ngăn lạm dụng bia, rượu có nhiều cái lợi. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu, người có trách nhiệm khẳng định: Không có lợi ích, giá trị nào bằng tính mạng con người. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước có hơn 7.600 người chết vì tai nạn giao thông (bình quân mỗi ngày có 21 người chết). Tai nạn giao thông năm nay giảm cả 3 tiêu chí so với những năm trước. Nhưng nguyên nhân lạm dụng bia rượu là hồi chuông cảnh tỉnh chưa có cách hóa giải, trước khi Nghị định 100 ra đời. Thống kê cho thấy, có đến 40-50% số vụ tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự là do bia rượu. Các bệnh viện lớn trong Nam ngoài Bắc thảy đều thừa nhận từ sau khi Nghị định 100 ra đời, số nạn nhân cấp cứu có nguyên nhân từ bia rượu, nhất là tai nạn giao thông giảm đến 30-40%! Chưa kể lạm dụng bia rượu đồng nghĩa với thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, lãng phí thời gian, tiền của, công sức và hao kiệt sức khỏe. Vậy thì ngăn chặn lạm dụng bia rượu là đúng đắn và cần thiết, cần hưởng ứng, ủng hộ.  
Người viết bài này cũng như nhiều người, chấp hành thực hiện Nghị định 100 lúc đầu cũng thấy... khó ở trong người. Thì đây, tiệc tùng, liên hoan, chạp mả, tất niên, cưới hỏi, nhà mới... làm sao thiếu thứ nước có thể không hấp dẫn nhưng quen thuộc gắn liền với tập quán lâu đời? Dự liên hoan một số cơ quan cuối năm, tôi đã từ chối thật lòng. Chấp hành quy định, không muốn lòng vòng trốn tránh trách nhiệm là nguyên tắc sống của tôi, cũng là của bất cứ ai trong một xã hội thượng tôn pháp luật.
Thành Long

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).