Ký ức bạn bè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ký ức đẹp luôn tồn tại và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Nhiều người khoe với tôi rằng, họ có cuộc sống thật viên mãn vì cả đời được làm giàu bằng những kỷ niệm êm đềm, đáng nhớ.
 Bạn bè tôi, những người đã và đang sống, làm việc ở Pleiku trước và sau năm 1975 đều có nhận xét chung là “Pleiku thật đáng yêu!”. Tôi suy nghĩ nhiều về cụm từ “đáng yêu” ấy để có những cách lý giải thỏa đáng về vùng đất này.
Pleiku theo tôi chưa phải là đô thị cổ nhưng cũng không quá tân; đô thị này được hình thành đến nay tròn 90 năm (3/12/1929-3/12/2019), bằng cả đời người và qua hơn 4 thế hệ. Anh bạn tôi-nhạc sĩ Ngọc Tường, người đã sống ở Pleiku hàng chục năm nay và chưa có ý định “dời đô”-đã có những cảm xúc rất thật về quê hương thứ 2 của mình: “Tôi đã có một Pleiku xanh thắm trang thơ/Tôi đã yêu một Pleiku sương mây mộng mơ/Một Pleiku chưa xa đã nhớ/Một Pleiku lần đầu mà yêu…” (Pleiku chưa xa đã nhớ). Với một tình yêu đầy ắp “chưa xa đã nhớ” thì làm sao có thể rời xa? Không những vậy, công dân xứ núi này còn mời gọi “đối tác” hãy cùng lên ngàn: “Em ơi có yêu anh/Hãy về cùng Phố núi/Nơi tình yêu vẫy gọi…” (Pleiku thân yêu).
 Một góc TP. Pleiku.   Ảnh: PHAN NGUYÊN
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Tôi có trao đổi với bạn bè về câu hỏi: “Pleiku có gì hấp dẫn và đáng yêu đến vậy?”. Câu trả lời đầu tiên là của một nghệ sĩ, người đã một thời sống ở Pleiku, nay đã “hành phương Nam” mang theo chút thi vị đầy lãng mạn, dù tình yêu đó chưa có gì rõ ràng nhưng là tâm trạng chung của nhiều người hoài cổ. Anh cho rằng, mỗi lần nghe ai đó hát hoặc nghe bên quán cà phê xa lạ vang lên bài ca “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy, thơ Vũ Hữu Định thì cảm thấy lòng nôn nao khó tả, “nhớ chi là nhớ Pleiku thân yêu!”. Anh còn bình phẩm thêm về sự sáng tạo của nhà thơ Vũ Hữu Định khi đã gắn vào Pleiku một bức tranh sơn nữ không thể lẫn vào đâu được và trở thành “định danh” cho một vùng đất: “…Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/Nên tóc em ướt và mắt em ướt/Da em mềm như mây chiều trong…”. Nếu không có một ấn tượng sâu nặng, một tình yêu nồng nàn thì khó có được những câu thơ hay đến vậy.
Với không gian của một đô thị miền sơn cước “đi dăm phút đã về chốn cũ” nhỏ nhắn nhưng xinh tươi và thơ mộng, Pleiku đã từng đằm sâu trong trái tim lãng du của bao người… Nhà thơ Phạm Đức Long, người xứ Nghệ, mới định cư ở Pleiku từ sau năm 1975 nhưng đã có 2 tập thơ mang nặng dấu ấn về miền đất cao nguyên này, đó là “Khoảng trời lá thông” và “Dã quỳ”. Tình yêu với vùng đất mới tất nhiên bao giờ cũng tinh khôi, hồn nhiên và lãng mạn hơn so với nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Trong bài “Lãng mạn Pleiku”, anh có một cái nhìn hơi khác lạ, mang yếu tố phồn thực, sinh sôi, nảy nở: “Núi Hàm Rồng như Linga/Biển Hồ như Yoni/Âm dương giao hòa/Làm nên Pleiku/Mơ hồ, lãng mạn!”. Và đây, tâm sự của anh Lê Nhược Thủy (Lê Hữu Huế)-một thầy giáo, cũng là một nhà thơ-nhà báo, người đã từng giảng dạy nhiều thế hệ học trò ở Pleiku: “Pleiku thân yêu/Nơi tôi sống mười năm với sương buông/Nên sớm nên chiều/Với cơn mưa dầm dề nỗi nhớ/Từng giọt nắng vàng rót mật mỗi mùa hoa…”.
Bài thơ “Pleiku thân yêu” của anh đã trả lời giùm tôi câu hỏi đầy vấn vương: Như thế đó, Pleiku ngày xưa ấy có sương buông cả sớm cả chiều, có mùa mưa thủng đất nát trời, buồn co ro trong từng giọt cà phê rơi; có mùa nắng ươm mật với gió lang thang trên khắp triền đồi, cùng hoa dã quỳ phủ vàng thung lũng và “hàng thông cao xao xuyến thầm thì”. Mùa hoa vàng của xứ cao nguyên Pleiku đã và đang trở thành đề tài cho thơ-nhạc, dù trước đây người ta hững hờ với loài hoa dại này. Vài năm trở lại đây, cùng với đà phát triển du lịch, loài hoa rực vàng khắp núi đồi thảo nguyên ấy đã chính thức đội “vương miện” trong các mùa lễ hội, thu hút bao khách thập phương. Dù có vô tình hay được sự quan tâm, dã quỳ Phố núi vẫn vô tư nở đúng mùa, vẫn hồn nhiên tô thắm cho miền đất đỏ bazan: “Hoa vàng vẫn nở tái tê/Chiều đông lạnh gió bốn bề dốc xa/Vô tình giữa chuyến xe qua/Mình tôi với một mùa hoa… rất vàng!” (Tạ Văn Sỹ).
Có thể nói, Pleiku xưa nay là vậy, không xô bồ, hối hả; lặng lẽ như hàng thông xanh, êm đềm như mặt nước Biển Hồ; là bốn bề đồi núi nhấp nhô với cỏ đuôi chồn mượt mà và dã quỳ vàng đắm đuối, và “ai đến đây rồi cũng phải xuống phải lên”. Nhà thơ Nguyễn Đỗ khi xưa vừa đặt chân đến Pleiku có câu thơ rất ngộ: “Địa phận Pleiku không vui mà háo hức/Tôi, một giây đời đã rỏ xuống cao nguyên…”. Riêng tôi, giờ đây vẫn đang còn cái tâm trạng háo hức ấy, dù từ lâu đã chọn nơi này làm quê hương...
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

(GLO)-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh Gia Lai Trịnh Hữu Tùng vừa ký Quyết định số 99/QĐ-VPĐKĐĐ về việc điều động, bổ nhiệm bà Trần Thị Kim Tuyến-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đak Đoa giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thông tin-Lưu trữ thuộc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh.