Nay Jét: Hết mình vì bình yên buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một già làng, trưởng thôn, nhiều năm qua, ông Nay Jét (làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) còn tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Không cần giấy tờ, sổ sách, ông Nay Jét vẫn trả lời rất rõ ràng, mạch lạc mỗi khi chúng tôi hỏi điều gì đó về tình hình làng Đút. Giải thích về điều này, ông cười bảo: “Tính đến nay, mình có tới 16 năm được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn, già làng. Do đó, nhà nào có bao nhiêu khẩu, hoàn cảnh cụ thể ra sao, mình đều rõ hết”. Ông Jét thông tin thêm, làng Đút hiện có 123 hộ với 815 khẩu, trong đó người Jrai có 109 hộ/598 khẩu, còn lại là dân tộc Kinh, Mường, Dao và Tày. Làng có gần 200 ha đất canh tác gồm: 56 ha trồng lúa nước 2 vụ, 68 ha trồng lúa 1 vụ, 44 ha trồng mì, 5 ha trồng điều và 22 ha trồng hoa màu các loại. Hiện làng còn đến 78 hộ nghèo. Theo ông Jét, một trong những nguyên nhân khiến số hộ nghèo của làng còn cao là do người dân sinh nhiều con.
 Ông Nay Jét (bìa phải) đang trao đổi tình hình với công an viên của xã.  Ảnh: P.D
Ông Nay Jét (bìa phải) đang trao đổi tình hình với công an viên của xã. Ảnh: P.D
Ngay khi được người dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn, điều đầu tiên ông Jét quan tâm đến là làm thế nào để góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rất rõ, Ia Lâu là xã vùng đệm biên giới và cũng là địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh. Do vậy, ông luôn tích cực bám nắm địa bàn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ nhỏ lẻ đến tập trung, thậm chí là tuyên truyền cá biệt nhằm giúp người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, lừa phỉnh làm điều sai trái; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tuyến hành lang qua xã để móc nối, lôi kéo vượt biên... Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông xuống từng nhà hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, trồng mì để nâng cao năng suất, cải thiện cuộc sống.
Nói về tình hình an ninh tại địa phương, ông bảo, trong làng có 3 đối tượng từng vượt biên và dẫn đường cho các đối tượng vượt biên. Họ đều đã chấp hành xong án phạt tù và đang sinh sống tại làng. Cả 3 trường hợp này, ông đều đặc biệt quan tâm để nắm bắt tư tưởng, giúp họ nhận ra sai trái, yên tâm lao động sản xuất, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. “Siu Kim và Nay Nhơng chấp hành xong án phạt tù, về sinh sống tại địa phương từ năm 2006 đến nay. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thỉnh thoảng mình còn giúp gạo, hom mì giống và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về phân bón, giống cây trồng, vay vốn để 2 gia đình yên tâm lao động sản xuất”-ông Jét cho biết. Riêng với anh Kpă Hmon, ông dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, nắm bắt tư tưởng và động viên người dân trong làng giúp đỡ, không nên ác cảm, xa lánh... Kpă Hmon từng 2 lần đi tù vì tội dẫn đường cho các đối tượng vượt biên và mới được tha tù hồi tháng 6-2019.
Ngoài ra, trong vai trò già làng, người có uy tín, ông Jét còn tích cực tham gia hòa giải thành công các vụ mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai, tình cảm vợ chồng... góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ông kể, cách đây vài ngày, ông đã tham gia hòa giải thành công giúp 1 cặp vợ chồng trẻ “gương vỡ lại lành”. Nguyên nhân mâu thuẫn chỉ vì người chồng ham nhậu, nhậu say lại về đánh vợ. “Sau khi nghe mình phân tích, người chồng nhận ra cái sai, xin lỗi vợ và viết cam kết sẽ bỏ rượu và không bao giờ đánh vợ nữa. Nếu còn uống rượu, đánh vợ thì sẽ bị làng phạt 1-2 con bò và bị vợ bỏ...”-ông Jét nói.
Nói về trưởng thôn, già làng Nay Jét, ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-nhấn mạnh: “Ông Nay Jét rất nhiệt tình, gần gũi và gương mẫu, được người dân trong làng tin tưởng, tín nhiệm. Trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ người lầm lỗi, ông thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giúp đỡ để họ sớm hòa nhập cộng đồng. Ông cũng chủ động tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các đối tượng từng lầm lỡ được tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

(GLO)-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh Gia Lai Trịnh Hữu Tùng vừa ký Quyết định số 99/QĐ-VPĐKĐĐ về việc điều động, bổ nhiệm bà Trần Thị Kim Tuyến-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đak Đoa giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thông tin-Lưu trữ thuộc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh.