Gia Lai thanh tra việc cấp nhầm "sổ đỏ" đất lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo 5 địa phương tiến hành thanh tra việc cấp "sổ đỏ" từ đất lâm nghiệp cho các cá nhân.
 
P
Lấn chiếm rừng phòng hộ huyện Mang Yang trên Quốc lộ 19
Ngày 1/10, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đang yêu cầu 5 huyện và thành phố của tỉnh gồm: H.Mang Yang, H.Ia Grai, H.Chư Pưh, H.K’Bang và TP. Pleiku tiến hành thanh tra và báo cáo sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) trên đất lâm nghiệp.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu chủ tịch 5 huyện thị trên tổ chức thanh tra việc cấp Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ); Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất lâm nghiệp. Sau khi thanh tra xong phải báo cáo kết quả về Thanh tra tỉnh trước ngày 6/11; Thanh tra tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý sai phạm tại các địa phương báo cáo về UBND tỉnh Gia Lai trước ngày 13/11.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, chính quyền của 5 đơn vị trên đã cấp Giấy CNQSDĐ cho người dân sử dụng từ nguồn gốc đất lâm nghiệp. Cụ thể, huyện Mang Yang là địa phương cấp nhiều sổ đỏ trái luật nhất với 15 trường hợp, trên diện tích 120.155m2. Giai đoạn cấp diễn ra từ các năm 2008, 2009, 2011 và 2012; hộ được cấp sổ đỏ nhiều nhất là 13.822m2 trên đất lâm nghiệp.
Thành phố Pleiku và H.K’Bang đều có 5 trường hợp. H.Ia Grai có 3 trường hợp và huyện Chư Pưh có 1 trường hợp.
Thành phố Pleiku là địa phương cấp sổ đỏ trên đất lâm nghiệp với diện tích lớn nhất là 93.500m2 cho hộ ông Nguyễn Đức và bà Phan Thị Lý (phường Ia Kring, TP Pleiku).
Ông Nguyễn Đức nguyên là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ vì xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã bị công an tỉnh Gia Lai bắt giam, điều tra 2 hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Việc để xảy ra việc lấn chiếm, hợp thức hoá hồ sơ giấy tờ để "hô biến" đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý thành đất cá nhân cần phải được làm rõ.
Trước đó, tháng 5/2019, Báo Giao thông đăng tải bài viết: "Hàng loạt rừng thông phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị bức tử". Trong bài viết đề cập đến việc UBND huyện Mang Yang cấp hàng loạt Giấy CNQSDĐ trên đất lâm nghiệp.
Tạ Vĩnh Yên (Giao Thông)

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.