Bàn chuyện… rượu bia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một người mà tửu lượng chỉ cần không quá một ly nhỏ bia (nói gì tới rượu) cũng đủ bị loại ra khỏi bàn nhậu như tôi mà lại cả gan đi viết về chuyện rượu bia quả thật là… không ổn. Nhưng cũng nhờ kinh qua một thời mà mọi chuyện đều được mang vào nhà hàng nhờ... bia chứng, tôi có không ít kinh nghiệm về việc này.
Đó là khoảng thời gian tôi thường tháp tùng sếp đi… nhậu. Uống toàn nước ngọt hoặc nước lọc đóng chai nên tôi hoàn toàn tỉnh táo để làm chứng nhân (mà cũng cần phải hoàn toàn tỉnh táo để thanh toán và lấy hóa đơn sau khi tàn cuộc). Dân gian bảo “rượu vào lời ra” cấm sai, nhập cuộc mọi sự khởi đầu ôn tồn lắm, từ ly (lon) thứ 2 trở đi là giành nhau nói như chưa từng được nói, ly (lon) thứ 4 mở đầu cho sự lặp đi lặp lại chỉ một vấn đề, ly (lon) thứ 6 tự động chỉnh âm lượng đến mức tối đa. Một người chuyên phá mồi như tôi rất sợ giai đoạn 6 ly này. Các bợm mở hết khẩu hình, cụng mời chệnh choạng, bia và vài thứ tinh túy trong vòm họng đổ văng như mưa vào đống thức ăn còn ê hề trên bàn. Đây cũng là giai đoạn rất dễ gây sự, từ mâu thuẫn mới phát sinh tức thì hoặc chuyện cũ nào đó ùa về từ quá khứ. Đấy là chuyện lè nhè, chứ hành vi của kẻ say mới đáng sợ, chất men làm người ta “dũng cảm” hẳn lên, một việc gì đó bình thường không thể làm được thì khi “sần sần” là tới luôn. Một ông lúc tỉnh táo rất đạo mạo, đứng đắn, khá cẩn trọng trong giao tiếp, nhất là với phụ nữ đã thể hiện thoải mái từ hành vi lẫn phát ngôn như một kẻ háo sắc hồ đồ trong phòng karaoke ngập ngụa rượu đắt tiền.
  Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Sau này, các cuộc nhậu mang tính công việc giảm rất nhiều, có lẽ hậu trường là nơi kín kẽ hơn. Bù lại, sức tiêu thụ rượu bia trong toàn cộng đồng lại gia tăng hết sức đáng ngại. Cứ nhìn xe cộ xếp lớp trước các quán nhậu từ chiều tà đến đêm khuya, có khi kéo dài cả một dãy phố thì rõ ra mọi bề. Chẳng thế mà dân ta được xếp hạng hẳn hoi nhé. Theo báo Dân Trí ngày 24-4-2019 thì “Tốc độ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong khi mức sử dụng của thế giới đang giảm xuống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016, 1 người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia)”. Những con số khiến người ta phải sửng sốt!
Hệ lụy của men rượu thì đã rõ mồn một. Đây là căn nguyên của hàng loạt bệnh tật cho bản thân người uống rượu bia quá đà (hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm, là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau, được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới). Đâu phải chỉ tự mình gánh chuyện mình làm, đáng nói là người say đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới đời sống gia đình, xã hội. Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo, chưa kể gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Trung bình hàng năm, các trường hợp tử vong do rượu bia lên tới hàng trăm ngàn (con số thống kê chính thức năm 2016 là 79.000 người), chưa kể gấp vài lần phải chịu thương tật. Thông tin hàng ngày cho thấy những vụ việc cụ thể thật khó tin: nhậu xong, va chạm giao thông nhỏ ngoài đường là rút dao chém người; rủ nhậu không được, đánh chết người; nhậu xong, giành nhau trả tiền, cãi nhau gây án mạng... Thật khủng khiếp cho con ma men đang hoành hành khắp chốn cùng nơi. Nó phá hoại không thương tiếc đạo đức, nhân cách, sức khỏe, khiến xã hội thực sự bất an.
Khi biết tôi là người không sử dụng bia rượu, người thì bảo tôi thật tuyệt vời và vợ tôi là người phụ nữ hạnh phúc, nhưng cũng có người bảo: Hắn là gã đàn ông bất hạnh, người ngoài hành tinh và sẽ chẳng làm ăn gì được! Thật hoang mang!
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).