Chủ động phòng ngừa cúm gia cầm trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để chủ động phòng-chống bệnh cúm gia cầm, xây dựng các vùng, các chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, ngày 9-4 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 730/KH-UBND về phòng-chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 với những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể. 
Theo Kế hoạch số 730/KH-UBND, UBND tỉnh xác định 3 địa phương gồm: TP. Pleiku, huyện Ia Grai và Đak Pơ nằm trong vùng nguy cơ cao; 14 huyện, thị xã còn lại nằm trong vùng nguy cơ thấp.
Việc phân vùng nguy cơ là cơ sở để xây dựng các biện pháp bố trí nguồn lực tổ chức kiểm soát, phòng-chống cúm gia cầm phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Đối với các huyện có đường biên giới giáp với nước Campuchia, UBND tỉnh yêu cầu thường xuyên tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện hoạt động vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh.
Tất cả các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ phải được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm và xử lý theo quy định của pháp luật. Kế hoạch của UBND tỉnh cũng xác định rõ các nội dung chính để các ngành, địa phương thực hiện như: giám sát dịch bệnh; xử lý ổ dịch; tiêm vắc xin phòng bệnh; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát, quản lý chợ buôn bán gia cầm sống; xây dựng vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân…   
Mô hình nuôi gà thả vườn hiệu quả trên địa bàn huyện Krông Pa.
Mô hình nuôi gà thả vườn hiệu quả trên địa bàn huyện Krông Pa.

Theo ông Đỗ Xuân Hiền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, toàn huyện có khoảng 170.000 con gia cầm của 8.000 hộ, chủ yếu được nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong hộ gia đình. Ia Grai là một trong 3 địa phương nằm trong vùng nguy cơ cao của tỉnh, cũng là huyện biên giới giáp với Campuchia. Do đó, huyện xác định triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống bệnh cúm gia cầm. Cụ thể, tập trung triển khai phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất tại các chợ, khu vực chăn nuôi... Đến nay, huyện đã cấp 150 lít hóa chất Benkocid cho các địa phương phun tiêu độc khử trùng đợt I-2019 được 358.000 m2. Huyện tiếp tục hỗ trợ 300 lít hóa chất Benkocid để phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt II. “Để chủ động phòng-chống bệnh cúm gia cầm, chúng tôi đã cho rà soát các điểm chăn nuôi trọng điểm và các ổ dịch cũ; tiến hành cấp hóa chất và hướng dẫn người dân phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời, chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động tự triển khai các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi”-ông Hiền cho hay.

Các huyện, thị xã nằm trong vùng nguy cơ thấp cũng đồng loạt triển khai các giải pháp phòng-chống bệnh cúm gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát không để phát sinh ổ dịch. Ông Nguyễn Trọng Khải-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho biết: “Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị phê duyệt phương án phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh dại chó, mèo. Riêng đối với bệnh cúm gia cầm, huyện cũng đã xây dựng phương án phòng-chống cụ thể”. Cũng theo ông Khải, Trung tâm thường xuyên tổ chức giám sát đàn vật nuôi mới và hướng dẫn thực hiện tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của người dân. Ngoài ra, huyện đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng đợt I-2019 được hơn 625.000 m2 tại các khu vực chăn nuôi, nơi buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y-cho biết: Đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, các địa phương cần chủ động nguồn kinh phí dự phòng để phòng-chống dịch bệnh; tăng cường phổ biến kiến thức về an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi; hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống gia cầm, đặc biệt đối với cơ sở ấp trứng gia cầm. Đối với hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu quy trình chăn nuôi và quy trình phòng-chống dịch bệnh; đồng thời phải sử dụng các giống đã được cơ quan chuyên môn kiểm dịch, giống sạch bệnh. Ngoài các biện pháp trên, ông Thanh cho hay: “Hàng năm, Chi cục phối hợp với các địa phương đánh giá, phân loại vùng nguy cơ cúm gia cầm để làm căn cứ xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch. Đồng thời, Chi cục cũng đã yêu cầu các Trạm Kiểm dịch động vật Song An, Chư Ngọc triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng-chống dịch bệnh; tổ chức nghiêm công tác trực chốt chặn và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh”.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).