Kbang: Quyết tâm đẩy lùi "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Kbang đang chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng các hộ người dân tộc thiểu số vay tiền, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao.

Các địa phương đồng loạt vào cuộc

Theo ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, xã đã thành lập 3 tổ công tác xuống các làng để rà soát tình hình vay tiền, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao của người dân. Theo kết quả rà soát ban đầu tại 7/12 làng, có 122 hộ người dân tộc thiểu số đang ứng giống, phân bón với trị giá gần 1,4 tỷ đồng của khoảng 18 hộ dưới danh nghĩa là đại lý; 56 trường hợp cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 34 ha. Sau khi rà soát, xã đã làm các mẫu hợp đồng và lập sổ theo dõi giúp cho các hộ dân.

 

Chị Đinh Thị Mai (làng Đầm, xã Tơ Tung) vừa được chính quyền can thiệp lấy lại đất để sản xuất.                        Ảnh: M.N
Chị Đinh Thị Mai (làng Đầm, xã Tơ Tung) vừa được chính quyền can thiệp lấy lại đất để sản xuất. Ảnh: M.N

Mục đích của xã là đưa hoạt động này vào giám sát, quản lý nhằm ngăn ngừa tình trạng người dân vay nhưng không biết mình nợ bao nhiêu. Việc làm này bước đầu đã giúp người dân nhận thức rõ hơn việc vay mượn của mình, chủ đầu tư cũng giảm bớt kiểu làm ăn bát nháo, hàng hóa ứng nợ cho người dân cũng đảm bảo hơn về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, qua rà soát, chính quyền xã cũng bóc tách được nhiều trường hợp người dân không có khả năng trả nợ, buộc phải đem đất sản xuất của mình cho thuê để cấn trừ nợ. “Đối với những trường hợp này, xã yêu cầu kê khai, lập hợp đồng cho thuê giữa tư thương với người dân để nắm được diện tích và thời hạn phải trả, đồng thời phân công cán bộ phụ trách từng làng theo dõi, nắm từng hợp đồng. Đến thời điểm hết hợp đồng thì chính quyền can thiệp, yêu cầu tư thương giao lại đất cho người dân. Trong hợp đồng cũng có một ràng buộc, đó là nếu mất mùa mà người dân chưa trả hết nợ thì tuyệt đối không được lấy đất của dân”-ông Dương khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, cho biết: Hiện trên địa bàn có 8 hộ gia đình, cá nhân đang cho 174 hộ dân người dân tộc thiểu số vay tiền, đầu tư giống, phân bón... Theo ông Nam, UBND xã đã mời 8 hộ gia đình, cá nhân này lên làm việc và yêu cầu làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định, đồng thời phải làm hợp đồng kinh tế với các hộ dân khi đầu tư giống, phân bón, cho vay tiền. Chính quyền xã cũng chỉ đạo Công an theo dõi việc thực hiện hợp đồng giữa các hộ đầu tư và các gia đình nhận đầu tư.

Thêm nhiều giải pháp cụ thể

Bàn về những giải pháp giúp người dân thoát khỏi “tín dụng đen”, ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, cho biết: Ngoài việc giúp người dân làm hợp đồng kinh tế, lập sổ sách theo dõi, xã sẽ can thiệp đối với trường hợp người dân không có khả năng trả nợ, buộc phải cho thuê đất, không còn đất sản xuất. Hướng giải quyết của xã là giúp người dân chốt lại sổ nợ, vận động họ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội trả nợ cho tư thương để lấy lại đất sản xuất. “Hiện nay, xã Lơ Ku đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng đưa vào quản lý 2 cánh đồng mía lớn có diện tích khoảng 100 ha và 25 ha mì của gần 100 hộ dân. Người dân tham gia cánh đồng lớn được Hợp tác xã cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, giúp giảm chi phí bằng cách bán nông sản tận gốc không qua trung gian; thành lập tổ công chặt mía tạo việc làm cho người dân”-ông Dương thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Văn Hải-Trưởng ban Dân vận huyện ủy Kbang, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Kbang có khoảng 702 hộ người dân tộc thiểu số vay tiền và nhận đầu tư bằng hình thức mua nợ giống, vật tư, phân bón của các hộ tư thương với tổng giá trị gần 9,2 tỷ đồng. Số hàng hóa mà các hộ dân này mua nợ luôn có giá cao hơn so với giá trung bình trên thị trường. Ngoài ra, nhiều trường hợp hộ người dân tộc thiểu số cần vay tiền để chi tiêu sinh hoạt hoặc khi có việc đột xuất cần trang trải (đau ốm, cưới xin, ma chay, làm nhà, thu hoạch…) buộc phải bán nông sản cho hộ tư thương thấp hơn giá thị trường để trừ nợ dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập, đời sống càng khó khăn.

Theo ông Hải, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan tổ chức gặp gỡ các chủ đại lý, hộ tư thương trên địa bàn yêu cầu cam kết không cho vay với lãi suất cao; rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Chỉ đạo Công an huyện tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng bám cơ sở, điều tra các hộ dân vay tiền, mua nợ hàng hóa của tư thương, các đại lý với số tiền trên 50 triệu đồng để xác minh, làm rõ và xử lý các trường hợp cho vay với lãi suất cao, có yếu tố trục lợi để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời ưu tiên các hộ dân này vay vốn từ các nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất…

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.