Lao đao vì "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do thiếu vốn sản xuất, hàng trăm hộ dân tại huyện Ia Pa đã phải cắn răng đi vay “tín dụng đen”. Để rồi khi chưa có khả năng chi trả, lãi mẹ đẻ lãi con, cuộc sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào cảnh khốn cùng, phải bán đất, bán nhà để trừ nợ.

“Cắn răng” đi vay nóng

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi đến nhà chị Rcom Nhơk (buôn Tông Ố, xã Ia Broăi) khi chị vừa đi gặt lúa thuê về. Trong ngôi nhà sàn nhỏ tuềnh toàng, trống huơ trống hoác, chỉ có một chiếc tivi màn hình 14 inch cùng vài bộ áo quần sờn cũ treo vắt vẻo. Đã hơn 3 năm nay, từ khi lấy chồng ra ở riêng đến giờ, vợ chồng chị vắt chân lên cổ đi làm thuê, làm mướn nhưng cũng chỉ đủ tiền trả lãi cho các khoản vay “tín dụng đen”. Chị kể, do không có đất, hai vợ chồng chị buộc phải vay 43 triệu đồng để mua mảnh đất cỏn con đủ để cất ngôi nhà và cái chuồng bò với lãi suất 30.000 đồng/triệu/tháng. Sau đó, chị tiếp tục vay của một người khác 35 triệu đồng để mua rẫy và thuê tiền cày đất với lãi suất 50.000 đồng/triệu/tháng.

 

Để mua đất làm nhà, chị Rcom Nhơk đã phải vay nóng của các thương lái. Ảnh: V.N
Để mua đất làm nhà, chị Rcom Nhơk đã phải vay nóng của các thương lái. Ảnh: V.N

Không ai ngờ rằng, cái quyết định đi vay nóng ấy đã đẩy gia đình chị Nhơk rơi vào vòng luẩn quẩn. Chị Nhơk chia sẻ: “Với lãi suất mà người ta tính thì hàng tháng mình phải trả lãi cho họ gần 3 triệu đồng. Hai vợ chồng đi làm rẫy, rồi đi làm thuê, vào mùa mỗi người cũng kiếm được 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày nhưng cũng chỉ đủ để trả tiền lãi và mua gạo ăn, còn tiền gốc vẫn chưa trả được”. Cũng theo chị Nhơk, vì vay nóng của các hộ buôn bán nên đến mùa bán nông sản mì và bắp, gia đình chị buộc phải bán cho họ với giá thấp hơn giá thị trường. “Thường thì họ cắt khoảng 5-7 giá so với giá của người khác. Mình biết vậy nhưng vì vay tiền của họ nên đâu thể làm gì được”-chị Nhơk nói. Từ thời điểm vay tiền (đầu năm 2013) đến nay, chị đã phải trả gần 200 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 78 triệu đồng của mình.

Tại xã Ia Tul, theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã, hiện có 89 hộ dân vay “tín dụng đen”. Bà Rơ Lan H’Ja (buôn Tơ Khế) cho biết: “Ở buôn mình nghèo lắm nên cứ phải đi vay tiền để mua gạo, mua mắm, mua sách vở cho các con đi học, nhiều hộ đi vay để chữa bệnh, rồi mua phân bón để làm rẫy. Tiền lãi nếu quen thì họ tính 30.000 đồng/triệu/tháng, còn không thì 60.000 đồng/triệu/tháng cũng có. Ai cũng biết lãi cao nhưng vẫn phải đi vay thôi, đến mùa thu hoạch mì thì họ lại đến tận rẫy mua với giá thấp để trừ nợ. Nhà nào không trả được lãi thì phải bán đất cho họ để cấn nợ nữa”. Được biết, nhiều hộ vay “lắt nhắt” từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nhưng vì không trả được lãi, tiền lãi lại tính cộng vào tiền gốc nên nợ nần ngày càng đội lên. Ví dụ như tại xã Ia Tul, ông Kpă Din hiện nợ 100 triệu đồng và phải trả lãi lên tới 183 triệu đồng; ông Ksor Yúi vay 130 triệu đồng, lãi phải trả là 144 triệu đồng; ông Kpă Anung vay 70 triệu đồng, phải trả lãi là 100 triệu đồng; bà Kpă H’Bu vay 21 triệu đồng, phải trả lãi gần 75 triệu đồng…

 

Không thể xử lý hình sự

Thượng tá Dương Văn Long-Trưởng Công an huyện Ia Pa cho biết: Cơ quan Công an đã tiến hành xác minh, làm rõ thông tin việc người dân tham gia vay tiền của các thương lái. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”, thì lãi suất mà các thương lái cho người dân vay chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hệ lụy khôn lường

Trao đổi với P.V, ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul chia sẻ: “Việc đi vay nóng đã diễn ra từ lâu nhưng bây giờ người dân mới giật mình vì phải trả lãi nhiều. Nhiều hộ trên địa bàn xã vì không có tiền trả gốc, trả lãi nên phải bán đất để cấn nợ. Tình trạng này mà kéo dài, dân không còn đất sản xuất nữa thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như trộm cắp, đánh nhau”. Ngoài ra, ông Sứ cho biết đang tiến hành xác minh việc các hộ nghèo khi được cấp bò chính sách cũng đã bị các đối tượng cho vay cấn nợ. Được biết, UBND xã Ia Tul đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa và đơn vị này đã đồng ý với việc cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp. Tuy nhiên, các khoản vay sẽ tính bằng các hiện vật như giống, phân bón, bò… Khả thi là vậy nhưng trong đợt vận động vừa qua, toàn xã Ia Tul cũng chỉ có 20 hộ tham gia vay vốn của ngân hàng. “Chúng tôi cũng đã đề xuất lên huyện, lên tỉnh nhưng hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để cho vấn đề này”-ông Sứ nói.

Trong khi đó, ông Tô Văn Hữu-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi cũng cho biết một số hộ trên địa bàn dù thiếu đất nhưng đã phải bán đất cho thương lái để trừ nợ. Cụ thể như nhà ông Kpă Tin phải bán đất nhà ở; ông Ksor Muên phải bán đất rẫy… Ông Hữu cảnh báo: “Nếu tình trạng này còn diễn ra, người dân vừa mất đất sản xuất, lại vừa thiệt hại lớn về thu nhập khi phải bán nông sản cho thương lái với giá thấp, như vậy thì sẽ không bao giờ thoát được nghèo”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Ia Pa tại 8/9 xã trên địa bàn huyện thì tất cả các xã đều xảy ra tình trạng này. Hiện có 672 hộ vay tiền “tín dụng đen”, trong đó có 504 hộ thuộc diện nghèo và 168 hộ cận nghèo. Các xã có nhiều hộ vay như: Ia Kdăm 173 hộ, Chư Mố 139 hộ, Pờ Tó 127 hộ… Số tiền vay được thống kê là hơn 18 tỷ đồng nhưng số tiền lãi tính đến ngày 15-4-2016 là hơn 58 tỷ đồng, tổng cả gốc và lãi là hơn 76 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một con số đủ gióng lên hồi chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm ra giải pháp hiệu quả giúp người dân thoát được cảnh hàng tháng phải gồng mình gánh lãi mẹ, lãi con.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.