"Trả nợ" cho rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đỉnh đèo Mang Yang nằm tại km 112 quốc lộ 19. Khu vực này núi non trùng trùng điệp điệp, hiểm trở như một cửa ải trọng yếu. Thời chiến tranh, đây là vị trí bị địch đánh phá rất khốc liệt và rải chất độc dioxin. Sau giải phóng, dân di cư từ các tỉnh, thành phố đến đây lập nghiệp ngày một đông. Để tồn tại, người dân phải... phá rừng, lấy gỗ bán cho đầu nậu và sẵn sàng dùng rìu, rựa... cản trở, thậm chí chống trả quyết liệt lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

   Đèo Mang Yang. Ảnh: H.C
Đèo Mang Yang. Ảnh: H.C

Bà Võ Thị Hòa (65 tuổi) không hề muốn nhắc đến những ngày tháng cơ cực đi chặt phá cây rừng về đổi lấy gạo ăn. Nghe chúng tôi động viên nhiều lần, bà mới ngậm ngùi: Do kinh tế quá khó khăn, năm 1977, gia đình bà dắt díu nhau từ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lên xóm đèo kiếm sống. Khi đó, ở đây chỉ có vài căn nhà tranh thấp lè tè, tuềnh toàng. Lên đèo ở được một thời gian, các con của bà lần lượt mắc bệnh sốt rét. Không vay mượn được tiền của ai, quá túng quẫn, vợ chồng bà phải đi chặt cây rừng bán cho các nhà xe qua đường. Những ngày đầu không quen đi rừng, trèo núi, bà bị ngã nhào liên tục, chân tay sưng tấy, toàn thân đau nhức ê ẩm. bà đã nhiều lần muốn bỏ “nghề” nhưng thời đó hiềm một nỗi ngoài việc đi làm gỗ, ở đây không biết làm gì để có tiền sinh sống. Bởi vậy, “trước lạ sau quen”, gia đình bà và cả xóm này đều trở thành... “lâm tặc”.

Khi nói về những năm tháng khai thác gỗ trái phép, ông Bùi Minh Sĩ (58 tuổi) cũng tỏ ra thiếu tự nhiên. Với vẻ mặt ưu tư, ông kể: Năm 1990, thấy làm gỗ có tiền liền, “dễ ăn” hơn làm việc khác, tôi đã đưa cả gia đình từ thôn Hàm Rồng (TP. Pleiku) xuống xóm đèo Mang Yang khai phá đất hoang, làm nhà tá túc. Thời kỳ 1990-1998, làm gỗ trúng thật. Trong ngày, ba người cưa gỗ dổi và thông nàng là có ngay 2 triệu đồng. Kiếm được nhiều tiền, sinh ham, mọi người lao vào làm gỗ như con thiêu thân. Làm được một thời gian, mắc bệnh sốt rét ác tính, sức tàn lực kiệt, nhiều người lăn ra đau ốm triền miên. Đúng là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt!”.

Dừng kể giây lát, uống xong ly nước nóng, ông Sĩ tâm sự: “Thực tâm không ai ở cái xóm đèo này muốn phá rừng. Nhưng thời đó cực khổ quá chừng, đau ốm cùng quẫn, bất đắc dĩ lắm, bà con đành phải đi làm gỗ kiếm miếng cơm manh áo qua ngày”.

“Sống ở đỉnh đèo Mang Yang đã hơn 40 năm nay, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy rừng Hà Ra xanh tốt như bây giờ, kể cả những vùng có chất độc hóa học”-bà Chu Thị Lý bộc bạch.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra hiện có 13.671 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 10.400 ha rừng tự nhiên, 2.700 ha rừng trồng. Diện tích rừng ở Hà Ra đều được bà con ở gần rừng nhận khoán bảo vệ theo đúng quy định. Tuy tiền công chỉ có 200.000 đồng/ha/năm nhưng làm việc này rất hữu ích nên bà con vẫn vui mừng nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài việc hợp đồng trồng rừng, từ năm 2002 đến nay, hộ bà Võ Thị Hòa còn nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ gần 200 ha rừng và nhận 5 suất bảo vệ rừng; hộ ông Bùi Minh Sĩ nhận khoanh nuôi hơn 100 ha rừng và nhận 3 suất bảo vệ rừng thời vụ... Bà Võ Thị Hòa thừa nhận: “Một thời gian rất dài, xóm đèo Mang Yang sống nhờ vào việc khai thác gỗ trái phép. Làm vậy là đã lấy đi của rừng rất nhiều thứ, đã “nợ” của rừng quá nhiều. Nay được Đảng, Nhà nước cho nhận khoán trồng và bảo vệ rừng, bà con rất vui mừng vì có cơ hội “trả nợ” cho rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái”.

 Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.