Đến Kbang lan man đôi chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang, vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của tỉnh Gia Lai, sau 41 năm nước nhà thống nhất, đã có những đổi thay đáng khích lệ. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức cần tháo gỡ, cần tiếp tục đầu tư, phát triển để cho đời sống của bà con, đặc biệt là bà con đồng bào Bahnar có cuộc sống khá hơn, bởi họ là “chủ nhân” của vùng đất này bao đời, là những người nuôi nấng, che chở, bảo vệ cho một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn của các cơ quan quân dân chính Đảng một thời oanh liệt ấy.
 

  Cây mắc ca trồng ở Kbang phát triển rất tốt và cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo.   Ảnh Đ.M.P
Cây mắc ca trồng ở Kbang phát triển rất tốt và cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Ảnh: Đ.M.P

1. Nói chuyện với tôi, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cho hay, với anh và Đảng bộ còn bao điều trăn trở lắm, tuy là huyện được nhận nhiều sự quan tâm của cấp trên, đầu tư cho nhiều lĩnh vực thuộc hạ tầng sản xuất và xã hội, song vẫn là nơi còn khó khăn lắm bề, tìm cho được một lối đi lên ở một huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều không dễ. Tôi biết điều này, nơi nào càng thuận lợi cho một thời xây dựng căn cứ địa, phục vụ cho chiến tranh giải phóng, thì nơi ấy lại càng khó khăn trong thời bình, với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng vẫn có một điều gì đó khó chấp nhận, dẫu khó nhưng chẳng lẽ “cái khó bó cái khôn”? Một mô hình kinh tế gắn với xã hội được đưa ra một thời, đã cho kết quả không như mong muốn.

Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp Kon Hà Nừng được thành lập và hoạt động từ thời còn cơ chế bao cấp, với một ước muốn nhanh chóng đưa vùng đất khó này vươn lên bằng cách có một doanh nghiệp mạnh “làm bà đỡ”. Điều ấy, thời ấy được coi là một sáng kiến, là điều cần làm, phải làm như là việc đồng thời với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nó còn là sự “đền ơn trả nghĩa” cho đồng bào, cho vùng đất gian nan mà anh hùng trong kháng chiến vậy. Nhưng sau bao năm, “cái đuôi” về nhiệm vụ “nông-công” của liên hiệp xí nghiệp này gần như bỏ ngỏ; chỉ tập trung việc khai thác gỗ và các loại lâm sản dưới tán rừng đem bán, để đến bây giờ, bao nhiêu những cánh rừng già, rừng nguyên sinh, đặc biệt là bạt ngàn những cánh rừng phía Đông Nam của huyện một thời được coi là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” đã không còn tồn tại nữa, mà đời sống của người dân thì chưa thay đổi được nhiều; có nghĩa là không cân xứng giữa việc khai thác tài nguyên với đầu tư phát triển. Một Kbang, giờ chúng tôi trở lại, nhiều vùng chỉ còn những ngọn đồi trơ trọc, những con suối, con sông không còn nước; động thực vật quý hiếm đã trở thành vô cùng hiếm. Cái sự “cầm đèn chạy trước ô tô”, muốn nhanh chóng thoát nghèo ở một vùng đất khó mà làm theo ý chí chủ quan, nóng vội, may mà sớm thấy được sai nên đã kịp sửa, nếu không, chẳng biết rồi cái liên hiệp xí nghiệp ấy giờ đi đến đâu, và một Kbang sẽ như thế nào.

Men theo con đường chưa đầy chục cây số, đã đầu tư nâng cấp mấy năm nay nhưng chưa hoàn thành, từ trung tâm xã Krong vào căn cứ Tỉnh ủy Gia Lai trước năm 1975, chúng tôi chứng kiến những ngôi làng “không có cây xanh”, lưa thưa người ở, những cô cậu bé đầu trần, chân đất rúc người trong mấy bóng cây bé tí hiếm hoi ven đường; những căn “nhà sàn” theo một mẫu, mái tôn, tường và trụ bê tông chông chênh dưới cái nắng chính ngọ của tháng ba Tây Nguyên như dội lửa xuống làng. Trong một căn “nhà sàn” mái tôn, tường kẽm, nóng như thiêu như đốt ở làng Tung (xã Krong), Bí thư Trương Văn Đạt bảo với tôi, trong năm này sẽ vận động bà con trồng cây trong làng, đồng thời rà soát lại, nếu thật sự bà con không thể ở được trong những căn nhà tái định cư này thì sẽ có giải pháp giúp bà con tính lại, nhưng kinh phí thì... Câu nói bỏ lửng của vị Bí thư trẻ, tôi hiểu và chia sẻ cùng anh, bởi vốn người viết bài này cũng từng là người đứng đầu một huyện.

2. Có lần hàn huyên với Phó Bí thư Huyện ủy Kbang Huỳnh Trọng Khánh, anh bảo, tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần người dân của huyện đã từng bước được cải thiện. Anh chứng minh mấy việc, như là chuyện đầu tư làm nhiều công trình thủy lợi nhỏ, bê tông hóa giao thông nông thôn, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế; đầu tư cho việc phủ sóng phát thanh và truyền hình, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là phát triển một số vùng cây nguyên liệu ổn định như mía, mì, bắp, đậu các loại. Cùng với đó là chọn một số xã Sơn Lang, Đak Rong, Nghĩa An, Sơ Pai... trồng thử nghiệm các loại cây như sa nhân, bời lời, cao su, mắc ca, cà phê... Các loại cây này mà đứng được, sẽ phát triển ra diện rộng và chắc chắn bộ mặt nông thôn Kbang sẽ đổi thay trong tương lai gần. Rất mừng và hy vọng điều anh Khánh nói sớm trở thành hiện thực.

Theo chân Chánh Văn phòng Huyện ủy Phạm Quang Vĩnh, hôm 30-4 vừa rồi đến một số xã, chúng tôi đã tận mắt thấy những điều đổi thay như lời anh Khánh chia sẻ. Dọc theo đường Trường Sơn Đông, từ ngã ba quốc lộ 19 đến Sơn Lang, xã cuối cùng về hướng Đông Bắc Kbang, các bạn trẻ cùng đi với chúng tôi luôn nhận thấy từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Từ Hà Nội vào, ban đầu lạ lẫm lắm, chúng em không nghĩ ở đây lại có những vùng đất đẹp như thế này, giá mà đầu tư đúng hướng, làm ăn bài bản chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao, và người dân nơi đây giàu có là điều không khó”-Nguyễn Đức Tú, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội bảo vậy. Nhiều vùng đất của Kbang đã được đánh thức, ở phía Nam huyện phù hợp với các loại cây trồng ngắn hạn như mía, mì, bắp, đậu... đã được quy hoạch và vận động bà con nông dân làm những cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, và bước đầu mấy năm lại đây đã đem lại kết quả đáng mừng. Hiện tại, doanh nghiệp cùng nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình này. Vùng phía Bắc và phía Đông huyện, sau thử nghiệm thành công một số loại cây dài ngày, sẽ cho phát triển đại trà, nhất là cây mắc ca. Sau khi khảo sát thực địa, nghiên cứu về các điều kiện tự nhiên, chủ một doanh nghiệp chuyên về ngành mắc ca Lê An Trung và đồng nghiệp đã khẳng định nhiều vùng đất và thời tiết, khí hậu ở Kbang phù hợp với cây mắc ca. Điều này không mới, bởi được sự hỗ trợ của các ngành chức năng của tỉnh, mấy năm qua huyện đã cho trồng thử nghiệm loại cây này, và đã cho kết quả khả quan. Việc còn lại là cách thu hoạch, bảo quản và thị trường tiêu thụ.

Sắp tới đây, được biết, nếu doanh nghiệp chuyên ngành mắc ca-Công ty cổ phần Macca Cao Nguyên Xanh có trụ sở ở Đak Nông đầu tư vào Kbang, cam kết với nông dân việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở chế biến, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể cho doanh nghiệp. Mắc ca là loại cây đa dụng, được coi là cây tỷ đô (USD), đã được cấp thẩm quyền quy hoạch phát triển tại vùng Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, mà cụ thể là Kbang. Loài cây này trồng một lần thu hoạch đến 70 năm, sau 5 năm trồng là cho sản phẩm, dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư thấp mà giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của bà con là người dân tộc thiểu số, lại có thể coi mắc ca là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Hiện nay, theo các tài liệu của các cơ quan chức năng, được biết nhu cầu sử dụng hạt mắc ca trên thế giới rất lớn và giá cả của loại sản phẩm này khá đắt và ổn định. Thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng cây mắc ca trên địa bàn Gia Lai, người dân trồng chỉ mới một số diện tích còn khá khiêm tốn, nhưng khi thu hoạch không tìm được đầu ra. Từ nay, người trồng mắc ca có thể an tâm về thị trường tiêu thụ, được biết hiện đã có một doanh nghiệp từ Hà Nội đặt cơ sở thu mua và kinh doanh các sản phẩm mắc ca tại TP. Pleiku.

Cùng với sự đầu tư ổn định và phát triển đa dạng cây trồng hiện tại, trên vùng đất Kbang, nếu tiếp tục kêu gọi đầu tư cây mắc ca theo một phương thức thích hợp, chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn-nông thôn mới ở vùng đất khó này tuy dân còn nghèo mà giàu truyền thống yêu nước, một lòng thủy chung với Đảng, với cách mạng, đồng thời cũng là việc làm cần thiết cho việc tái tạo, khôi phục lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái tự nhiên.

 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.