Quản lý kinh doanh đa cấp: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện lừa đảo trong kinh doanh đa cấp không còn xa lạ, từ vụ lừa đảo của MB24, Tâm Mặt Trời và mới nhất là vụ Liên kết Việt… Mọi chiêu trò lừa đảo đều được “bóc tách”, được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không ít người vẫn “dính bẫy” các công ty kinh doanh đa cấp.

Hình ảnh một cuộc hội thảo bán hàng đa cấp. Ảnh: L.L
Hình ảnh một cuộc hội thảo bán hàng đa cấp. Ảnh: L.L

“Vì sao lừa đảo trong kinh doanh hàng đa cấp vẫn cứ tồn tại” là câu hỏi không dễ trả lời. Phải chăng đây là loại hình kinh doanh “siêu-siêu lợi nhuận” nên một số doanh nghiệp đa cấp bất chấp vi phạm luật pháp hay vì công tác quản lý thiếu chặt chẽ, bất cập? Và một lý do nữa như người ta vẫn hay đổ lỗi là do người dân-cũng chính là các nạn nhân-có trình độ nhận thức kém, hám lợi, dễ bị dụ dỗ?

Về phía doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lừa đảo, có lẽ không cần phải nói nhiều khi cơ quan chức năng công bố những khoản tiền thu lợi bất chính rất lớn từ hoạt động này. Đây là những con số khiến những kẻ lừa đảo bất chấp mọi thủ đoạn. Đáng nói là trong những vụ việc bị phát hiện thời gian qua, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Điển hình là vụ Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (viết tắt là Công ty MB24) đã lừa đảo bằng cách bán những gian hàng ảo trên mạng internet thu về 631 tỷ đồng. Tiếp đó là vụ Công ty cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) với số tiền lừa đảo cao gấp 3 lần, khoảng 1.900 tỷ đồng…

Sự bất cập, thiếu chặt chẽ trong các quy định quản lý cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trong kinh doanh đa cấp. Theo quy định nhà nước, một đơn vị kinh doanh đa cấp muốn hoạt động trên địa bàn nào thì phải đăng ký với Sở Công thương địa phương đó. Tuy nhiên, tại Gia Lai, trong danh sách 23 doanh nghiệp đa cấp đăng ký với Sở Công thương, chỉ có 5 doanh nghiệp ghi rõ địa điểm hoạt động, thậm chí phần ghi “người liên hệ tại địa phương” cũng bị để trống khá nhiều. Theo Sở Công thương, việc các doanh nghiệp chỉ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương và thường không có địa chỉ giao dịch tại địa phương đã gây khó khăn trong công tác quản lý và công tác kiểm tra, kiểm soát khi có sự cố xảy ra.

Không chỉ vậy, việc xử lý vi phạm lại càng bất cập hơn. Ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai-cho rằng: Do mẫu thông báo được thống nhất từ Trung ương, trong đó không có quy định rõ doanh nghiệp phải ghi địa chỉ hoạt động cụ thể, thế nên nhiều doanh nghiệp “cố tình” bỏ trống mục này, khi muốn kiểm tra lực lượng không biết tìm văn phòng ở đâu. Hơn nữa, trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh hàng đa cấp thì chỉ có mỗi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) là có thẩm quyền. Vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, đơn vị cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục Quản lý Cạnh tranh, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cụ thể, tháng 8-2015, lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 2 đơn vị là cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc 3 và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Gia Bảo 68-Chi nhánh Gia Lai đã có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. Nhưng mãi đến tháng 12, Cục Quản lý Cạnh tranh mới gửi thông báo về kết quả xử phạt. Dù tổng mức xử phạt đối với 2 đơn vị trên lên đến 266 triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ sức cảnh báo.

Thực tế, hoạt động đa cấp đang ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa song không chỉ công tác quản lý khó khăn mà ngay cả nhận thức của người dân cũng còn hạn chế. Trong khi đó, các công ty đa cấp lại đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, nhiều, không cần trình độ bằng cấp, làm ít hưởng nhiều… khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy và trở thành những “tín đồ” mê muội. “Ở góc độ cơ quan chức năng chúng tôi cũng rất băn khoăn, tìm mọi biện pháp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động này. Đặc biệt là sự hợp tác của người dân, chính quyền địa phương, kể cả khu dân phố để thông tin đến Cơ quan Quản lý Thị trường gần nhất. Người dân có thông tin có thể liên hệ với chúng tôi theo đường dây nóng: 0971666389, 0981666389 hoặc số điện thoại của tôi là 0913469475 để kịp thời xử lý”-ông Hà cho biết thêm.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Mua hàng online

Mua hàng online

(GLO)- Hiện nay, internet bao phủ khắp toàn cầu, nhiều trang web bán hàng online xuất hiện. Trên đó là đủ các mặt hàng thượng vàng hạ cám, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người.