Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ vạch kẻ đường và biển báo bất hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Cục Quản lý Đường bộ III.4 đã thay đổi vị trí một số biển báo hiệu “khu vực đông dân cư” tại một số điểm trên quốc lộ 14, 19 lùi vào trong khu vực trung tâm thị trấn, thị xã và TP. Pleiku. Mặt khác, trên các tuyến quốc lộ, nhiều đoạn đường đèo dốc, quanh co nhưng vạch kẻ đường lại cho phép vượt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
 
Đường Trường Chinh, trên quốc lộ 14, đoạn qua phường Chi Lăng (TP. Pleiku) trước đây biển báo “khu vực đông dân cư” đặt ở Km 103, nay lùi vào phía trung tâm thành phố 2 km. Trên quãng đường này, có nhiều xưởng chế biến gỗ, trường học, chợ... vào giờ tan tầm lượng người lưu thông đông. Hơn 1 tháng trước, ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi, ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg được phép lưu thông trên đoạn đường này với tốc độ tối đa là 50 km/giờ, nhưng kể từ khi biển báo được di dời thì những phương tiện này được phép chạy với tốc độ tối đa là 80 km/giờ.

 

Biển báo hết khu dân cư trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: H.T
Biển báo hết khu dân cư trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: H.T

Ông Trần Thành Nguyện-một người dân ở phường Chi Lăng cho biết: Từ khi biển báo “khu vực đông dân cư ” di dời hầu hết xe chạy qua tuyến đường này với tốc độ rất nhanh, mặt khác tại tổ dân phố 1, phường Chi Lăng, có chợ bên cạnh đường, giờ tan tầm nhiều tiểu thương lấn ra gần đường để bán hàng, người mua dừng xe ở lòng đường rất nguy hiểm. Đoạn đường này dốc, lưu lượng người qua lại đông, thế nhưng tốc độ các phương tiện tham gia giao thông được phép tăng lên thì nguy cơ xảy ra tai nạn là không tránh khỏi. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét di dời bảng báo “khu vực đông dân cư” về vị trí cũ.

Tại đường Phạm Văn Đồng, trước đây biển báo “khu vực đông dân cư” được đặt ở Km 532, hơn một tháng nay biển báo này di dời vào Km 526 + 500 mét (vị trí đặt bảng báo mới được lùi vào trong thành phố, cách vị trí cũ 4 km). Trên đoạn đường này, có bệnh viện, trường học, chợ, siêu thị... lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Được biết, trước khi thay đổi vị trí biển báo, trên trục đường này đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 3 người chết; 9 vụ tai nạn giao thông khác làm 12 người bị thương.

Tương tự, trên đường Lê Duẩn, biển báo được di dời từ Km 159 + 800 mét đến Km 165 + 700 mét (lùi vào phía trung tâm thành phố gần 6 km). Tuyến đường này có chợ, 2 trường tiểu học và nhiều cơ quan, đơn vị hành chính... Đặc biệt, đoạn đường qua xã Chư Á là điểm nóng về tai nạn giao thông, nguyên nhân là do một số đoạn đường hẹp “thắt nút cổ chai” nhiều khúc cua gấp, dốc nên người điều khiển bị hạn chế tầm nhìn, bên cạnh đó một số người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn. Từ đầu năm 2015 đến nay, trên đường Lê Duẩn đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 9 người chết, 3 người bị thương nặng và 16 vụ va chạm giao thông khác làm 24 người bị thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ.

Hiện có 5 tuyến đường đi vào TP. Pleiku gồm: đường Lê Đại Hành đi trung tâm TP. Pleiku và rẽ ra đường Vạn Kiếp; đường Tôn Đức Thắng đi đường Trần Văn Bình; đường Lê Duẩn đi đường Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt và tuyến đường Trường Chinh đi đường Trường Sa. Mặc dù các tuyến đường này đi vào trung tâm thành phố, qua khu vực đông dân cư có nhiều trường học, bệnh viện, nhà máy và cơ quan, đơn vị hành chính…nhưng không có biển báo “khu đông dân cư” nên người tham gia giao thông không biết được tốc độ cho phép là bao nhiêu. Liên quan đến việc di dời biển báo bất hợp lý và đường không có biển báo “khu vực đông dân cư”, UBND TP. Pleiku đã có công văn kiến nghị gửi Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh và Sở Giao thông-Vận tải tỉnh đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III.4 sớm vào cuộc xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Bên cạnh 3 biển báo “khu vực đông dân cư” trên 3 tuyến đường ở TP. Pleiku thu hẹp vào phía trong thành phố thì tại một số thị trấn, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai biển báo này cũng được lùi vào phía trung tâm, bất hợp lý. Mặt khác, trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Gia Lai, tại các đoạn đường quanh co, đèo dốc nhưng không hiểu vì sao cơ quan hữu trách kẻ vạch cho phép vượt, điều này rất dễ dẫn đến tai nạn. Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn-Đội phó Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ chúng tôi đã phát hiện, xử lý một số vụ va quệt giữa các phương tiện giao thông mà nguyên nhân chính là do tài xế vượt tại các đoạn đường cua, dốc. Thiết nghĩ, nếu tình trạng kẻ vạch cho phép vượt ngay tại các khúc cua, đèo dốc như thế không được khắc phục kịp thời thì nguy cơ xảy ra là không tránh khỏi.

Vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ đặt lại các vị trí biển báo “khu vực đông dân cư” đã nhận được nhiều ủng hộ từ phía lái xe. Sau khi điều chỉnh biển báo, nhiều đoạn đường, tuyến đường ở các tỉnh, thành trong cả nước không nằm trong khu vực đông dân cư, lái xe được phép tăng tốc độ, rút ngắn được thời gian hành trình... Tuy nhiên, các tuyến đường ra vào trung tâm thị trấn, thị xã, thành phố ở tỉnh Gia Lai đèo dốc, cua, nhiều đoạn đường hẹp, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập… nên việc điều chỉnh biển báo như thế là không phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Hữu Trường

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.