Nhiều cơ sở chế biến cà phê bột vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với người sành cà phê thì hầu hết các loại cà phê bột trên thị trường hiện nay đều theo công thức trên 90% là bắp và đậu nành cộng hương liệu, hóa chất còn lại cà phê chỉ lớn hơn 1%. Dẫu biết những loại cà phê bột chế biến theo công thức trên là rất độc hại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng việc quản lý chất lượng cà phê bột trên thị trường hiện nay lại gặp nhiều khó khăn.

Cà phê bột bằng đậu nành, bắp và hóa chất

 

Tiêu hủy sản phẩm cà phê bột không đảm bảo ATVSTP tại Công ty cổ phần Cà phê GBF. Ảnh: N.Y
Tiêu hủy sản phẩm cà phê bột không đảm bảo ATVSTP tại Công ty cổ phần Cà phê GBF. Ảnh: N.Y

Nếu giá thành 1 kg cà phê bột của các thương hiệu cà phê có tiếng trên địa bàn TP. Pleiku tùy loại ít nhất từ 180.000 đồng/kg đến trên 350.000 đồng/kg thì các loại các phê bột của một số cơ sở nhỏ lẻ hoặc cà phê trộn (trộn mỗi loại một ít) không có nhãn mác bán lẻ trên thị trường hiện nay chỉ từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Với giá thành này thì chất lượng cà phê bột không thể nguyên chất như trên bao bì các sản phẩm công bố.

Anh V.T.N- (phường Hội Phú, TP. Pleiku) làm cho một cơ sở sản xuất cà phê bột trên địa bàn TP. Pleiku cho biết: Trung bình để cho ra một kg cà phê bột thì ít nhất phải 1,5 kg cà phê hạt bởi trừ hao hụt do qua các công đoạn chế biến. Mà với giá thành hiện nay thì chắc chắn bán cà phê bột trên 100.000 đồng/kg đã là lỗ vốn chứ đừng nói là 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên cà phê bột nếu 100% là cà phê nguyên chất thì người uống cà phê dù có nghiện hay sành đến mấy cũng nuốt không nổi mà nếu đem mẫu sản phẩm 100% cà phê nguyên chất này đi kiểm nghiệm khó mà đạt các yêu cầu đưa ra. Vì vậy việc trộn bắp, đậu nành vào cà phê là cách làm (ngầm hiểu được cho phép) của nhiều cơ sở sản xuất hiện nay. Nhiều cơ sở do tỷ lệ trộn quá chênh lệch cà phê quá ít mà bắp, đậu nành thì quá nhiều nên đã lạm dụng thêm hóa chất vào để tăng hương vị cà phê. Điều này rất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Công thức trộn bắp, đậu nành và hương liệu vào cà phê đã và đang được nhiều cơ sở sản xuất cà phê bột lạm dụng. Nếu cơ sở sản xuất chế biến cà phê có lương tâm họ sẽ chấp nhận bỏ tiền sử dụng hương liệu tự nhiên giá thành đắt từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/lít nhưng với nhiều cơ sở chế biến khác thì vì lợi nhuận họ sẵn sàng thay thế hương liệu tự nhiên kia bằng hóa chất có bán sẵn tại các chợ giá rẻ hơn chục lần nhưng lại thơm hơn nhiều so với cà phê nguyên chất… Một số cơ sở sản xuất cà phê bột dù đã có công bố chất lượng sản phẩm của mình nhưng trong công bố ấy chỉ có công bố hàm lượng cà phê lớn hơn 1% còn lại không công bố các thành phần trộn vào là bao nhiêu. Hơn nữa, hầu hết trên các bao bì sản phẩm cà phê bột bán ra đâu đâu cũng thấy ghi cà phê bột nguyên chất… Việc công bố này rõ ràng là không minh bạch, làm cho có và lừa dối người tiêu dùng.

Nhiều vi phạm ATVSTP trong sản xuất cà phê bột

 

Bắp được rang cháy đen-một trong những thành phần chính cho ra sản phẩm cà phê bột. Ảnh: N.Y
Bắp được rang cháy đen-một trong những thành phần chính cho ra sản phẩm cà phê bột. Ảnh: N.Y

Mới đây, theo chân Đoàn thanh-kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015, riêng về lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê bột, qua thanh-kiểm tra 4 cơ sở sản xuất và chế biến cà phê bột trên địa bàn TP. Pleiku, Đoàn liên ngành đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm các quy định trong đảm bảo ATVSTP gồm Hộ kinh doanh Hồng Hải (29 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Thương, TP. Pleiku); hộ kinh doanh Trần Thị Hưng (05 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku) và Công ty cổ phần Cà phê GBF (257 Nguyễn Viết Xuân, tổ 10, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Các lỗi vi phạm gồm: Không đảm bảo ATVSTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe; sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định; không có đủ trang thiết bị dụng cụ phù hợp theo quy định để bảo quản, chứa đựng thực phẩm.   

Bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Trưởng đoàn thanh kiểm tra liên ngành cho biết: Qua kiểm tra một số hồ sơ công bố chất lượng cà phê bột, thực tế có một số thành phần khác được đưa vào như đậu nành, bắp… nhưng cơ sở sản xuất, chế biến cà phê không công bố trong hồ sơ mà chỉ công bố mỗi thành phần cà phê là sai quy định. Bắp, đậu nành khi bị rang cháy quá mức sẽ tạo những tiền chất gây ung thư. Người dùng đang từng ngày nạp vào cơ thể nhiều chất độc hại, chưa kể những hóa chất không rõ nguồn gốc sử dụng trong sản xuất, chế biến cà phê. Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm có uy tín, những nơi đã được các cơ quan nhà nước thẩm định; không nên sử dụng những loại cà phê bột không có nhãn mác, hạn dùng, không rõ nguồn gốc…

Như Ý

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.