"Nóng" từ tranh mua nguyên liệu mía đến chuyện xe quá khổ quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã ký hợp đồng đầu tư, bán mía với Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai, hàng trăm hộ nông dân trồng mía tại khu vực các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai vẫn ồ ạt đốn mía bán cho thương lái. Việc tranh mua nguyên liệu mía ngày càng trở nên “nóng” bởi sự hậu thuẫn của cả trăm chiếc xe tải chất đầy mía vượt gấp đôi trọng tải rồi ùn ùn nối đuôi nhau chuyển mía đi ngoại tỉnh.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa vụ nông dân thu hoạch nông sản (mì, mía) thì chuyện xe quá khổ, quá tải lại trở nên nóng bỏng. Hàng ngày, trên các tuyến quốc lộ 14, 19, 25 hàng loạt xe chở đầy nông sản ngang nhiên chạy trên đường không kể ngày đêm.

Tranh nhau mua, bán

 

Xe tải chở đầy mía đi qua trung tâm huyện Ia Pa
Xe tải chở đầy mía đi qua trung tâm huyện Ia Pa. Ảnh: Nguyễn Giác

Toàn vùng nguyên liệu mía tại khu vực Đông Nam tỉnh hiện nay có trên 9.500 ha. Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã ký hợp đồng mua mía trực tiếp với hơn 4.000 hộ dân trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh. Vụ ép 2013-2014, công ty mua mía với giá tại ruộng 850.000 đồng/tấn, đồng thời hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn đối với mía thu hoạch đầu vụ ép, cộng với chi phí trung chuyển 30.000 đồng/tấn, giá thành mua mía đầu vụ ép được nâng lên đến 900.000 đồng/tấn. Ngoài ra, Công ty còn tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thiết bị, phương tiện, phân bón và cả kinh phí với số tiền lớn để người dân tiếp tục trồng đạt năng suất cao cho vụ sau. Dẫu vậy, hàng loạt hộ nông dân phá hợp đồng, đốn mía bán cho thương lái ngay tại ruộng. Tình trạng tranh mua nguyên liệu mía ở đây khiến cho tình hình trật tự tại khu vực các địa phương có diện tích mía lớn như Phú Thiện, Ia Pa trở nên khó kiểm soát bởi tình trạng tranh mua, tranh bán, cùng với đó nhu cầu bán mía nhanh, lao động tại chỗ thiếu hụt nên có một lượng lớn lao động ở các tỉnh miền Trung kéo lên làm công nhân chặt, xếp mía lên xe.
 

Xe chở mì chạy trên quốc lộ 25.Ảnh: Nguyễn Giác
Xe chở mì chạy trên quốc lộ 25.  Ảnh: Nguyễn Giác

Tại các xã Chrôh Pơnan, Ia Hiao, Ia Peng, Ia Pia thuộc huyện Phú Thiện nơi có khoảng trên 2.000 hộ dân trồng mía, vào thời điểm chúng tôi ghi nhận thì có khá nhiều hộ đã, đang tiến hành đốn mía bán cho các thương lái. Lý giải về việc bán mía cho thương lái, ông Tài-một hộ trồng mía tại xã Chrôh Pơnan cho biết: Do cần tiền để chi trả phí đầu tư cho các đại lý nợ từ đầu vụ và chủ động cho vụ mới, dù Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai mua mía với giá cao hơn so với thương lái nhưng chúng tôi vẫn muốn bán ngay, không phải làm sạch lá, chặt ngọn. Một lý do khác được đưa ra rằng: Nhà máy chuẩn bị cải tạo để tăng công suất nên hạn chế thời gian mua vào, để lâu mía khô dễ cháy. Chính vì vậy, không ít hộ nông dân đã đốn mía bán cho thương lái tại ruộng với giá từ 690.000 đồng đến 710.000 đồng/tấn, đồng nghĩa với việc nông dân mất từ 1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng/ha mía.

Ngược lại, ông Hoàng Duy Hoàng, ở thôn Yên Phú 1, xã Chrôh Pơnan, Phú Thiện lại cho rằng: Tôi trồng mía đã 17 năm nay, năm nào cũng bán cho nhà máy tại Ayun Pa. Năm nay thời tiết thuận lợi, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà máy thì năng suất và chữ đường sẽ cho rất cao. Còn làm sạch mía, tề ngọn là điều có lợi cho dân khi bán đi. Vụ tới, tôi đã ký hợp đồng đầu tư, phía nhà máy sẽ hỗ trợ giống, phân, cơ giới và xây hồ tưới.

Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho rằng: Không có việc công ty đưa ra các quy định để làm thiệt hại cho nông dân mà hoàn toàn ngược lại. Nếu mía sạch, tề ngọn thì chất lượng mía sẽ cao, chữ đường tốt, điều này sẽ tăng thêm giá mua 20.000 đồng/tấn. Còn việc nhà máy sửa chữa nâng công suất sẽ không ảnh hưởng, khi nào trong dân hết mía thì nhà máy sẽ ngừng mua và thực hiện việc lắp đặt thiết bị nâng công suất lên 6.000 tấn/ngày là để đảm bảo đầu thu mua hết mía cho nông dân ở vụ ép năm tới.

Xe quá tải cày nát quốc lộ

 

Xe quá tải giẫm nát quốc lộ 25 dù công nhân ra sức sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Giác
Xe quá tải giẫm nát quốc lộ 25 dù công nhân ra sức sửa chữa. Ảnh: Nguyễn Giác

Nông dân lo lắng bán mía sớm phải chịu thiệt, còn phía tài xế, thương lái mua mía tại ruộng cũng chẳng vui gì. Anh An- một tài xế chở mía chạy tuyến Phú Yên cho biết: Nếu chở đúng quy định thì không thể đủ chi phí cho xăng xe và các chi phí khác. Một xe tải 15 tấn vận chuyển mía của dân đúng tải thì chúng tôi chỉ lấy 190-220 ngàn đồng/tấn. Chở đúng tải xe đỡ hư, không ai bắt phạt, nhưng khổ nỗi dân không ai chịu mà họ luôn kêu cánh tài xế chất đầy xe, trong khi giá thì chúng tôi chỉ thêm được 20-30 ngàn đồng/tấn. Tiền thêm không đáng là bao nhưng vì lượng mía quá lớn trên đồng nên chúng tôi chấp nhận chạy. Trừ khấu hao hư hỏng máy móc, xăng xe thì chỉ kiếm được vài triệu đồng mỗi chuyến xe. Còn vận chuyển trong vùng thì thấp hơn, giá từ 70 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng/ tấn tùy theo địa bàn huyện xa, gần, đường có hư hỏng nhiều hay ít…
 

Xe quá tải chạy qua huyện Krông Pa chở mía về tỉnh Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Giác
Xe quá tải chạy qua huyện Krông Pa chở mía về tỉnh Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Giác

Điều đó lý giải tại sao việc hàng ngàn tấn mía được chất cao vút trên hàng trăm chiếc xe tải, mỗi xe có trọng tải 11 tấn được chất lên đến 28 -30 tấn, còn với xe 15 tấn thì trọng tải thì chủ xe cho chất lên đến 30-35 tấn. Sau đó, xe được phủ bạt, ùn ùn kéo nhau trên đường mà không hề có chút lo sợ khi di chuyển qua những đoạn đường hư hỏng, con đèo nguy hiểm và cả lực lượng kiểm tra để chở đến các nhà máy đường tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum và cả thị xã An Khê để tiêu thụ.

Hậu quả của những chuyến xe quá tải là các con đường tỉnh lộ, quốc lộ vốn đã xuống cấp chưa được đầu tư thì nay lại thêm trầm trọng. Những ổ gà, ổ voi nay lại to dần mặc cho sự can thiệp của các đơn vị sửa chữa cầu đường ra sức đào, lấp, lu lèn nhưng rồi hố nhỏ lại thành to, ổ voi thành vết trũng lớn trên đường. Thực tế, tại tuyến đường tỉnh lộ 667 băng qua trung tâm hành chính huyện Ia Pa hiện nay đã trở thành nỗi lo từ chính những người dân sinh sống và qua lại trên cung đường này. Anh Puih người dân tại xã Ia Ma Rơn nói: Mỗi ngày, các chuyến xe chở mía cao ngất cứ vậy ầm ầm chạy qua, bụi bốc mù mịt khiến ai cũng khó chịu. Con đường vốn rất tốt nay đã hư hỏng nhiều đoạn, cây cầu kiên cố tại xã Chư Răng nay cũng đã vỡ một mảng lớn ở ngay đầu cầu đến nay vẫn chưa sửa chữa.

Cần mạnh tay xử lý

 

Xe quá khổ, quá tải vô tư vượt qua trước tổ kiểm tra giao thông tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Nguyễn Giác
Xe quá khổ, quá tải vô tư vượt qua trước tổ kiểm tra giao thông tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Nguyễn Giác

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch của Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Công an, đầu tháng 12-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký, ban hành Văn bản số 4261/UBND-NC gửi Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh, Công an tỉnh và Sở Giao thông-Vận tải phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải. Sự kiên quyết từ các cấp, các ngành là vậy, tuy nhiên qua thực tế ghi nhận thì lại là chuyện đáng bàn.
 

Cây cầu tại xã Chư Răng, Ia Pa vỡ do xe quá tải. Ảnh: Nguyễn Giác
Cây cầu tại xã Chư Răng, Ia Pa vỡ do xe quá tải. Ảnh: Nguyễn Giác
Theo tổng hợp từ Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai tính đến ngày 16-12, tổng số hộ bán mía ra ngoài vùng 254 hộ; với trên 25.000 tấn mía được dân bán ra khỏi vùng nguyên liệu, trong đó có 741 xe đi nhà máy Vạn Phát, Phú Yên. Trước đó, vụ ép 2011-2012 có 19.670 tấn và niên vụ 2012-2013 lượng mía bán ra ngoài vùng thống kê được lên đến 46.000 tấn, điều này gây thiệt hại kinh tế của nông dân, sụt giảm sản lượng đường, thiếu hụt nguyên liệu cho nhà máy vào những tháng cuối vụ ép năm nay.

Xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên chạy trên các tuyến quốc lộ, không thấy sự kiểm soát, xử lý nào từ các lực lượng chức năng. Không riêng gì với thị xã Ayun Pa, mà trên các địa phương Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện những chuyến xe quá khổ, quá tải ngày đêm hoạt động trên các tuyến đường trọng yếu đang bị xuống cấp.

“Việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải một cách kiên quyết và nghiêm minh đúng quy định của pháp luật” đó là chỉ đạo mới nhất từ Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng. Còn việc chỉ đạo, thực hiện thế nào của lực lượng chức năng tại các địa phương mới là sự quan tâm của người dân.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).