Dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên dòng thác điện năng Ia Ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 23-11-2022 là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, nhà nước và Nhân dân; đồng thời là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời vì nước vì dân. Những cống hiến to lớn, quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong đó có Gia Lai.  
Sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo và là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Thủy điện Trị An; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; công trình đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; đường Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các khu công nghệ cao Hòa Lạc; công viên phần mềm Quang Trung; Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...
Điểm nhấn Ia Ly
Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ khởi công xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly tháng 11-1993. Ảnh tư liệu
Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ khởi công xây dựng công trình Thủy điện Ia Ly tháng 11-1993. Ảnh tư liệu
Tại Gia Lai, gần 3 thập niên trước, ngày 4-1-1993, bên dòng thác Ia Ly, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Ia Ly, mở đầu hành trình biến dòng thác hùng vỹ thành nguồn điện sáng cho đất nước. Từ mốc son này, hơn 7 năm sau, công trình thủy điện Ia Ly hoàn thành và ghi tên mình trên bản đồ năng lượng quốc gia, trở thành công trình thủy điện lớn thứ nhì cả nước thời điểm đó.
Ông Huỳnh Nở-nguyên Giám đốc Công ty thủy điện Ia Ly, khi đó là Trưởng ban Chuẩn bị sản xuất nhà máy thủy điện Ia Ly-kể lại: Đầu năm 1989, khi bắt đầu có ý tưởng xây dựng thủy điện thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến kiểm tra. Chính ông là người đi cùng Thủ tướng và giới thiệu tiềm năng của dòng thác Ia Ly kỳ vĩ nằm giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn.
Ông Nở vẫn còn nhớ như in lời của vị lãnh đạo có bí danh Sáu Dân lúc bấy giờ: “Đây là ý tưởng quá đúng, quá tốt, chỗ này không tận dụng được là lãng phí một nguồn năng lượng lớn”. Cũng sau chuyến thị sát này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập tức chỉ đạo triển khai ngay công tác khảo sát. Lúc bấy giờ các đơn vị mới phối hợp với các chuyên gia Nga tập trung vào thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, xem xét lại toàn bộ tổng thể dự án. Ông Nở nhớ lại: “Trước đó, tôi cũng đưa đoàn của Ngân hàng Thế giới đến khảo sát nhưng ý tưởng của họ chỉ là xây dựng nhà máy thủy điện nổi, chưa khai thác được toàn bộ tiềm năng của khu vực Ia Ly. Còn đoàn khảo sát của Thủ tướng sau này là cả một nhà máy ngầm, mang tầm quốc gia, thậm chí là khu vực Đông Nam Á”.
Nguyên Giám đốc công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: Sau chuyến khảo sát này, Thủ tướng vào công trình chỉ đạo gần như liên tục. Theo ông Nở, công trình khởi công năm 1993 nhưng đó là triển khai thi công công trình chính, lấy mốc thời gian Thủ tướng nhấn nút nổ mìn đào hầm dẫn nước. Còn trước đó, cuối năm 1989 đã bắt đầu xây dựng các công trình phụ trợ, nhà ở công nhân, đường sá, mặt bằng công trình…
Công trình đập chứa nước Thủy điện Ia Ly
Công trình đập chứa nước Thủy điện Ia Ly ngày nay. Ảnh: Trần Ngọc Hiến
Sát cánh cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, điều mà ông Nở “tâm phục, khẩu phục” nhất là: “Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối nhưng ông Kiệt vẫn quyết tâm xây dựng công trình thủy điện Ia Ly, đầu tư vốn và công sức để làm bằng được. Đây là quyết sách rất đúng, quyết liệt nhất mà nếu là người khác, không phải ông Kiệt thì không có thủy điện Ia Ly hôm nay. Xây dựng thủy điện điểm khi đất nước còn quá nghèo, Liên Xô thì mới tan rã, ông đứng trước những câu hỏi đặt ra như ngân sách đâu mà làm, hay lại vay rồi để lại khoản nợ lớn cho con cháu sau này?”

Ông Huỳnh Nở-nguyên Giám đốc Công ty thủy điện Ia Ly: “Bất chấp các ý kiến phản đối, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết tâm phải xây dựng bằng được công trình này. Đây là công lao rất lớn, là quyết sách đúng đắn mang đậm dấu ấn của ông Kiệt khi đó. Là con người rất quyết đoán và có tầm nhìn của tương lai, ông nhận thấy không thể không có thủy điện Ia Ly khi xây dựng đường dây 500 KV. Nhờ đó, công trình thế kỷ đã mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển Tây Nguyên, xa hơn là lợi ích của quốc gia, dân tộc”.

Còn với bà Rơ Châm Phớt-nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Păh, khi đó là Chủ tịch UBND huyện, những lần được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại trong tâm trí nhiều ấn tượng khó phai mờ. Thời điểm này, bà đang tất bật chỉ đạo việc di dời người dân vùng ngập lòng hồ thuộc các làng: Kênh, Tum, Jut (xã Ia Mơ Nông) đến nơi tái định cư ở xã Ia Phí; đồng thời tổ chức vận động, đền bù cho người dân 2 xã nói trên khi có 2.000 ha diện tích trồng lúa cũng chìm trong làn nước.

Bà Phớt nhớ lại: “Cùng với đó, huyện còn huy động lực lượng cán bộ chia từng tổ, nhóm tuyên truyền người dân nhường đất vì công trình quốc gia; tổ chức khai hoang, giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân này; hướng dẫn triển khai các mô hình kinh tế nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống”.
Dù chỉ 2 lần gặp, bà Phớt vẫn có những ấn tượng sâu sắc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là người rất gần gũi, giản dị, tình cảm, thăm hỏi, lo cho dân từng li, từng tí. Chuyến công tác nào ông cũng nhắc nhở các cấp chính quyền phải quan tâm giải quyết tốt cuộc sống người dân; công tác đền bù, giải tỏa phải đi đôi với việc đảm bảo cuộc sống người dân. Đặc biệt là phải lo cho dân trước, ổn định nơi định cư mới; hỗ trợ và hướng dẫn họ cách làm ăn, tuyệt đối không để hộ nào đói.
“Biết ơn người mở đường”
Trao đổi cùng P.V, ông Đoàn Tiến Cường-Giám đốc Công ty-cho biết: Sau hơn 22 năm tiếp quản Thủy điện Ia Ly, đến nay Công ty Thủy điện Ia Ly đang quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn gồm: Ia Ly, Sê San 3 và Plei Krông với tổng công suất 1.080 MW, sản lượng điện bình quân 5,31 tỷ kWh/năm.
Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly khẳng định: Ý thức rằng Thủy điện Ia Ly được xây dựng bởi sức vóc, trí tuệ của hàng ngàn cán bộ, công nhân công trình từ những ngày đầu gian khó nên Công ty luôn nỗ lực không ngừng, từng bước vượt khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, đó là phát huy hiệu quả công trình.
“Tôi chưa được trực tiếp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng qua hình ảnh, tư liệu để lại thì thấy rằng ông rất gần gũi với cán bộ, công nhân viên. Ông là người ý thức sâu sắc rằng việc phát triển lưới điện và các hạ tầng điện là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho các ngành khác phát triển. Chúng ta có được hôm nay thì phải luôn ghi nhớ và biết công ơn những người đã khởi công xây dựng công trình vĩ đại này, trong đó có người đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt”-ông Cường nhấn mạnh.
Du khách tham quan gian máy ngầm Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Trần Ngọc Hiến
Du khách tham quan gian máy ngầm Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Trần Ngọc Hiến
Công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam mang đậm dấu ấn Võ Văn Kiệt. Chỉ sau 2 năm vượt sông, băng đèo hiểm trở, công trình đã chính thức vận hành, đưa nguồn điện sáng khắp muôn nơi. Sau khi phát lệnh khởi công công trình đường dây 500 KV Bắc-Nam mạch 1 từ tỉnh Hòa Bình đến TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã tiếp tục phát lệnh khởi công các công trình hạ tầng quan trọng cho đường điện cao áp Bắc-Nam; một trong số đó là Trạm biến áp 500 KV Pleiku.
Ông Đinh Văn Cường-Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia)-cho hay: Trạm biến áp này không những đáp ứng yêu cầu kết nối mà còn là một trong những điểm nút xương sống của hệ thống truyền tải điện Việt Nam cung cấp điện cho miền Nam. 
Với vai trò vị trí thiết kế thời điểm đó, ngoài việc cung cấp, truyền tải điện cho miền Nam, cung cấp phụ tải cho các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Trạm còn giữ vai trò hết sức quan trọng đó là truyền tải hết lượng công suất của các nhà máy thủy điện trên dòng sông Sê San lên đến 1.500 MW lên hệ thống điện quốc gia.
Tháng 12-1994, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đường dây 500 KV qua trạm biến áp Pleiku đã được đóng điện thành công, đây là bước đệm quan trọng kết nối "mạch máu" điện năng Bắc-Nam được nối liền, giữ vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm