Đắk Lắk ghi nhận ca tử vong thứ 8 do sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù ngành y tế đã có cảnh báo, song một số người khi bị sốt vẫn tự điều trị tại nhà, dẫn tới nguy kịch, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết hiện đang tăng mạnh, nhiều ca biến chứng, sốc nặng nhập viện, nguy hiểm tới tính mạng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk vừa thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 6.658 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở khắp 15 huyện, thị xã, thành phố và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở đó, trong đó 8 trường hợp tử vong.
Phun hoá chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết
Bệnh nhân tử vong mới nhất được xác định là T.M.N (SN 1988, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, vào ngày 25-9, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, nhức mỏi tay chân. Bệnh nhân ở nhà tự điều trị thuốc hạ sốt có đỡ, ở nhà vẫn uống rượu.
Ngày 28-9, bệnh nhân nôn ói, mệt nhiều nên đến Trung tâm Y tế huyện Krông Bông điều trị. Đến 20 giờ cùng ngày, bệnh chuyển nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị với chẩn đoán suy gan cấp, sốt xuất huyết Dengue ngày 3.
Do tình trạng bệnh nặng, bệnh nhân tử vong vào sáng ngày 30-9 với chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng...
Theo khuyến cáo của Ths.BS Nguyễn Thị Ngọc, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, người bệnh không tự ý dùng các thuốc hạ nhiệt khi chưa xác định biểu hiện sốt là do bệnh gì, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không thực hiện cạo gió.
L.H (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm