Đắk Lắk: Kiến nghị hỗ trợ cấp hạn mức và ưu tiên giải ngân để mua cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một doanh nghiệp nhà nước ở Đắk Lắk vừa kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ... tạo điều kiện về chính sách, hỗ trợ cấp hạn mức và ưu tiên giải ngân tiền để thu mua cà phê cho người nông dân khi bắt đầu vụ mùa mới.
Ngày 28-9, ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk, thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk quản lý) - cho biết: "Đơn vị vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam kiến nghị những chính sách hỗ trợ tài vụ chính cho ngành cà phê vụ mùa 2022-2023".
Theo ông Huy: Vụ mùa cà phê 2022 - 2023 chuẩn bị bắt đầu cần, doanh nghiệp cần có một lượng vốn lớn để đảm bảo thu mua kịp thời và đảm bảo tốt giá cho bà con nông dân. Đặc biệt, vụ mùa này sẽ có áp lực bán hàng rất lớn từ phía nông dân do thu hái trễ (thời tiết mưa kéo dài) và Tết nguyên đán đến sớm hơn.
Tuy nhiên, nhiều chính sách của phía các ngân hàng đang triển khai việc hạn chế hạn mức tín dụng và tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Nếu chính sách này áp dụng vào ngành cà phê sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân trồng và nền kinh tế địa phương.
"Ví như, các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch bán vào thị trường sẽ dẫn tới tình trạng bị ép giá do có một nguồn cung lớn cùng một lúc khi vào chính vụ. Theo kinh nghiệm, những mùa vụ bị ép giá dẫn đến đơn giá giảm 15-20% trong thời điểm chính vụ.
Người nông dân bị ảnh hưởng tiêu cực về thu nhập (giá nhân công, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm xuống thấp) dẫn đến giảm tiêu dùng đáng kể và ảnh hưởng  chung đến nhiều ngành hàng kinh doanh khác ở khu vực Tây Nguyên", ông Huy cho biết.

Simexco Daklak  vận chuyển một lô cà phê để xuất khẩu sang Anh Quốc. Ảnh: B.T
Simexco Daklak vận chuyển một lô cà phê để xuất khẩu sang Anh Quốc. Ảnh: B.T
Từ phân tích trên, ông Huy kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, Bộ ngành, Hiệp hội ngành hàng có liên quan sớm có chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo ổn định kinh doanh cho ngành hàng cà phê Việt Nam trong thời điểm chính vụ.
Qua đó, cơ quan có thẩm quyền ưu tiên cấp hạn mức và ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu ngành hàng cà phê trong lúc cao điểm vụ thu hoạch, nhất là thời điểm cuối năm tháng 11, 12.2022 và tháng 1.2023.
Hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp giữ hàng, có kế hoạch điều tiết bán sản phẩm; quá đó, tránh việc “bán tháo” vào thị trường cùng một lúc dẫn đến giá cà phê bị mất giá nghiêm trọng.
Simexco Daklak (thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) những năm qua được xem là "anh cả" của làng cà phê tại thủ phủ Tây Nguyên, có doanh số lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với 100.000 đến  120.000 tấn cà phê, kim ngạch khoảng 220 triệu USD.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang quản lý chuỗi cung ứng với trên 30.000 hộ nông dân để thực hiện mô hình phát triển cà phê bền vững trên cơ sở kinh tế, môi trường và xã hội. Đơn vị trực tiếp lẫn gián tiếp tạo công ăn việc cho hàng chục nghìn người dân bản địa.
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm