Vựa đào Nhật Tân khoe sắc trên đất... Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Lã Minh Thư là nông dân đầu tiên ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô đưa cây đào Nhật Tân có nguồn gốc từ Hà Nội về trồng trên vùng đất Đắk Nông. Những ngày cận Tết Nguyên đán năm 2022, hàng ngàn cây đào Nhật Tân của gia đình anh Thư đã đơm nụ, sẵn sàng khoe sắc, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Anh Lã Văn Thư là nông dân đầu tiên đem cây đào Nhật Tân về trồng ở vùng đất ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô. Ảnh: Phan Tuấn
Anh Lã Văn Thư là nông dân đầu tiên đem cây đào Nhật Tân về trồng ở vùng đất ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô. Ảnh: Phan Tuấn
Hành trình di thực cây đào Nhật Tân
Hơn 7 năm trước, gia đình anh Lã Văn Thư là người đầu tiên đã mang giống đào Nhật Tân từ thành phố Hà Nội về trồng thử nghiệm ở vùng đất mới của xã Nam Xuân, huyện Krông Nô. 
Anh Thư cho biết, anh quê ở Ninh Bình, vào Tây Nguyên lập nghiệp đã nhiều năm nay. Thủa nhỏ, anh đã biết và mê đắm với sắc đẹp của hoa đào Nhật Tân. 

Nhiều khách hàng đến thăm quan, mua đào Nhật Tân của gia đình anh Thư về chơi Tết. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều khách hàng đến thăm quan, mua đào Nhật Tân của gia đình anh Thư về chơi Tết. Ảnh: Phan Tuấn
Trên vùng đất mới, anh Thư nhận thấy nhu cầu của người dân ở Tây Nguyên rất thích chơi hoa nên anh ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp mới. Nhiều đêm trằn trọc, anh Thư nằm "vắt óc" suy nghĩ sẽ chọn loại hòa nào để tạo ra sự đột phá cho việc kinh doanh hoa kiểng ngày Tết. 
Rồi anh Thư chợt nhớ đến cây đào Nhật Tân thủa bé mình thường hay ngắm. Đã nghĩ là làm, gia đình anh Thư mạnh dạn về Bắc mua giống rồi phá bỏ khoảng 1ha cà phê kém hiệu quả để trồng đào Nhật Tân. Một năm sau, nhận thấy cây đào Nhật Tân sinh trưởng tốt, nên gia đình anh Thư đã mạnh dạn phát triển với số lượng lớn.

Những chậu đào Nhật Tân của anh Thư đơm nụ rất nhiều, sẵn sàng khoe sắc trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Ảnh: Phan Tuấn
Những chậu đào Nhật Tân của anh Thư đơm nụ rất nhiều, sẵn sàng khoe sắc trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Ảnh: Phan Tuấn
Đến nay, vườn đào Nhật Tân của gia đình anh Thư đã có  hơn 1.500 gốc. Theo anh Thư, đào Nhật Tân khi du nhập vào Đắk Nông, để phát triển đẹp như ngoài Bắc thì bản thân anh đã phải trải qua không ít thăng trầm, thử thách.
Mặc dù thời tiết khá tương đồng, nhưng làm sao để canh cho cây đào Nhật Tân ở vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió đơm nụ, trổ hoa, khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán là điều không hề đơn giản. 

Để di thực cây đào Nhật Tân, người nông dân phải căn được diễn biến thời tiết  phức tạp ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn
Để di thực cây đào Nhật Tân, người nông dân phải căn được diễn biến thời tiết phức tạp ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn
"Do đó, để cây đào nở hoa đúng dịp, người trồng phải nắm bắt được diễn biến của thời tiết không mấy ổn định của Tây Nguyên. Cụ thể, ban đêm và rạng sáng thì trời Tây Nguyên rất lạnh, nhưng trưa, chiều thì lại nắng rất gắt. Vì vậy, để cho cây đào nở hoa đúng Tết, người nông dân phải nắm bắt được quy trình tưới nước hợp lý nhằm kích cây sinh nụ, bung hoa” - anh Thư chia sẻ.
Mang lại thu nhập cao
Theo anh Thư, sau khi đã di thực được cây đào Nhật Tân thì lợi thế mà cây trồng này mang lại là rất lớn. Trước hết, cây đào khi trồng tại đất Đắk Nông có hoa nở rất đều và lâu héo. Nắm bắt được đặc điểm này, mỗi dịp tết đến, xuân về các thương lái từ các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương… đã tìm đến gia đình anh Thư đặt mua hoa đào Nhật Tân rất nhiều. 

Những gốc đào Nhật Tân được anh Thư bán ra với giá từ 300 ngàn đồng cho đến 10 triệu đồng/chậu. Ảnh: Phan Tuấn
Những gốc đào Nhật Tân được anh Thư bán ra với giá từ 300 ngàn đồng cho đến 10 triệu đồng/chậu. Ảnh: Phan Tuấn
Hiện nay, giá mỗi cây đào Nhật Tân được gia đình anh Thư bán lẻ dao động từ 300.000 – 1 triệu đồng/chậu. Riêng những chậu đào có thế đẹp, nhiều năm tuổi, tán lớn, đều hoa, màu sắc lạ, tạo dáng tốt... được gia đình anh thư bán từ 3 - 10 triệu đồng/chậu.
"Năm nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đến thời điểm này, gia đình tôi đã chốt bán được 400 gốc đào Nhật Tân. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của gia đình, thậm chí sức tiêu thụ còn nhiều hơn cả năm trước. Với mức tiêu thụ đến thời điểm này, gia đình ước tính đã có nguồn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí" - anh Thư phấn khởi.

Cây đào Nhật Tân khi trồng trên đất Đắk Nông có ưu thế lớn hơn các địa phương khác là nở hoa rất đều, lâu héo…  Ảnh: Phan Tuấn
Cây đào Nhật Tân khi trồng trên đất Đắk Nông có ưu thế lớn hơn các địa phương khác là nở hoa rất đều, lâu héo… Ảnh: Phan Tuấn
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, sau bước khởi đầu thành công của anh Thư, hiện nay, trên địa bàn xã Nam Xuân đã có rất nhiều hộ trồng đào Nhật Tân để bán trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm và đều có mức thu nhập khá. 
Về phía ngành nông nghiệp, để giúp đỡ bà con nông dân gắn bó với nghề trồng hoa đào mới, địa phương đã hỗ trợ cho một số gia đình đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Đây là phương pháp tưới nước tiết kiệm, được thử nghiệm để hướng tới việc mở rộng diện tích trồng đào, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
PHAN TUẤN (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/vua-dao-nhat-tan-khoe-sac-tren-dat-dak-nong-996311.ldo

Có thể bạn quan tâm