Triển vọng mô hình cà rốt VietGAP ở Ðắk Búk So

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số người dân xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đang tham gia mô hình trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 9 ha. Đến nay, vườn cà rốt đang phát triển tốt, được bảo đảm về đầu ra. Điều này đang mở ra hướng phát triển rau quả bền vững cho nông dân.
Anh Phạm Văn Kỳ, bon Bu Boong, Đắk Búk So, là một trong số 18 hộ dân tham gia trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo anh Kỳ, cách đây 2 tháng, gia đình anh trồng 5 sào cà rốt. Nhờ được chăm sóc theo quy trình VietGAP, nên vườn cà rốt phát triển tốt.
Gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cấp Hội Nông dân hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón, đầu ra sản phẩm. Trồng cà rốt vào mùa khô khá thuận lợi, cây ít bị nấm bệnh, năng suất cao.
Trước đây, đầu ra sản phẩm cà rốt bấp bênh, anh chủ yếu bán cho các vựa rau trong tỉnh với giá bình quân chỉ 10.000 đồng/kg. Còn hiện nay, sản phẩm cà rốt đạt chứng nhận VietGAP có giá cao gấp 2-3 lần, tức khoảng 20.000-30.000 đồng/kg.
"Vườn cà rốt của gia đình tôi dự kiến thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hy vọng vụ mùa này gia đình tôi sẽ bội thu từ vườn cà rốt”, anh Kỳ chia sẻ.

Các cơ quan chuyên môn và nông dân kiểm tra sự phát triển của vườn cà rốt trồng theo quy trình VietGAP
Các cơ quan chuyên môn và nông dân kiểm tra sự phát triển của vườn cà rốt trồng theo quy trình VietGAP
Còn anh Nguyễn Văn Sảng, ở thôn 9, Đắk Búk So, cũng trồng 5 sào cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Lâu nay, gia đình anh trồng rau, nhưng thu nhập không mấy ổn định, nhất là 2 năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các vụ rau đều thua lỗ.
"Chúng tôi cũng muốn trồng rau theo VietGAP, nhưng từng hộ trồng riêng lẻ thì rất khó. Nay được địa phương hỗ trợ, chúng tôi sẽ quyết tâm làm bằng được. Sau đợt thí điểm này, nếu thành công, gia đình sẽ trồng khoảng 10 ha rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP”, anh Sảng cho biết.
Theo ông Ngô Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ 18 hộ nông dân trên địa bàn sản xuất 9 ha cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống... để trồng 5 sào cà rốt. Kết quả đến nay cho thấy, các quy trình kỹ thuật sản xuất cà rốt của bà con đều đạt quy chuẩn VietGAP.
9 ha cà rốt đang phát triển tốt, không xảy ra sâu bệnh, dự báo năng suất cao và đang chờ ngày thu hoạch. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm cà rốt cho bà con nông dân.

Sau hơn 2 tháng trồng, cà rốt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của các hộ dân đang phát triển tốt và sẽ thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022
Sau hơn 2 tháng trồng, cà rốt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của các hộ dân đang phát triển tốt và sẽ thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022
Cũng theo ông Thịnh, với lợi thế của địa phương, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác đã muốn hợp tác với nông dân Đắk Búk So để sản xuất các loại rau, củ, quả.
Thế nhưng, do các sản phẩm chưa đạt chứng nhận các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nên việc hợp tác chưa được triển khai. Do đó, mô hình trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là tiền đề tốt để địa phương hướng tới phát triển sản xuất rau, củ, quả theo hướng quy mô hàng hóa, chất lượng cao.
"Sau cà rốt, chúng tôi sẽ nhân rộng sang các sản phẩm khác như bắp cải, cải thảo, củ cải, bầu, bí… Chúng tôi sẽ hợp tác với các đơn vị để sản xuất các loại rau, củ, nâng cao thu nhập cho nông dân", ông Thịnh chia sẻ.
Thanh Nga (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm