Thong dong trên phố cùng Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những tờ lịch đã rụng dần về Tết. Vào khúc giao mùa, khi Đông vừa bước ra khỏi cửa mà Xuân mới lấp ló đầu ngõ, đừng ở yên trong nhà, hãy ra phố để tận hưởng gió Xuân, để dầm mình vào trong nắng, để nghe nhịp thở âm thầm của cỏ cây đang hé những mầm non bé xíu, xanh mướt.

Tiết xuân, không nóng cũng không lạnh, chỉ dịu nhẹ thôi, nhưng đủ cho tao nhân mặc khách say đứ đừ như mới nhấp kang rượu cần trong làng Kon Tum Kơ Pâng.

Và khi ấy, không phải là thi sĩ, tự dưng cũng muốn làm thơ. Ngay cả cơn gió vờn trên đám hoa cánh bướm la đà bên tường rào cũng làm ta thấy có một cái gì gợi cảm. Một chiếc lá vàng rơi xuống, nhường chỗ cho mầm non mới nhú, cũng có thể để cho người đa tình suy nghĩ vẩn vơ.

Hay một cái quán cà phê bên đường thưa thớt khách, cô chủ đang nhóm lò than đun vội ấm nước, những đốm hoa lửa bung ra như pháo hoa trong làn khói mờ mờ như sương cũng có thể làm cho ta xúc động mà tưởng tượng ra sự ấm cúng của bữa cơm gia đình ngày cuối năm.

Nếu không, cũng nổi hứng ngâm nga mấy câu thơ không thể nhớ nổi của ai mới nảy trong đầu: Đã thấy hơi Xuân trong gió may/Vương trên mái lá tiễn Đông gầy/Nhà ai vừa quét tường vôi trắng/Thỏ thẻ bên thềm hoa cúc lay- Xuân về.

Thế đấy! Mùa xuân làm cho người ta đứng ngồi không yên như thế đấy. Cứ muốn dạo phố, bởi nhựa sống trong người đang căng lên, như những mầm non của cây cối, không thể nằm im mãi dưới lớp vỏ thô ráp, xù xì kia, mà phải nứt ra, phải vươn lên những cái là nhỏ tí ti để mà nhìn, mà vẫy chào gió Xuân và người du Xuân.


 

 Dạo phố cùng Xuân. Ảnh Đức Thành
Dạo phố cùng Xuân. Ảnh Đức Thành


Thong dong dạo phố, chợt nhận ra rằng, dù cũng chật vật, cũng mệt nhoài bởi suốt năm dài đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng khi Xuân về, phố vẫn phô bày ra nét đẹp của mình. Giống như gió mưa kia, dù phũ phàng đến mấy, cũng không thể vùi lấp được vẻ đẹp thanh xuân mơn mởn của người thiếu nữ vậy.

Ở nhà, đã thấy yêu thương, ra ngoài phố lại muốn yêu thương nữa. Gặp ai cũng mỉm cười, gặp ai cũng muốn bắt tay. Và trời đất ơi, nếu không phải vì phòng dịch thì hẳn là đã ôm nhau thật thắm thiết.

Nhưng có hề chi. Hương Xuân vẫn nồng nàn phơi phới mọi nơi. Hoa cũng không vì thế mà lỗi hẹn với phố. Mai, đào, cúc, lan… vẫn khoe sắc trên những con đường trung tâm, như dòng nước mát, tưới tắm tâm hồn người, làm dịu khi khói bụi thị thành.

Hoa chẳng cần nói, chỉ điềm nhiên phô diễn vẻ đẹp không lời dưới nắng vàng như mật, biến con đường ở trung tâm thành phố thành dòng sông hoa uốn lượn. Làm cho người du xuân sững sờ, quên đi nỗi buồn “già” thêm một tuổi.

Thong dong dạo phố, nhìn dòng người ngược xuôi, ai cũng kín mít khẩu trang, tự dưng nghĩ ngợi bâng quơ rằng, Covid-19 tuy có làm cho những bờ vai không còn được sát những bờ vai, nhưng không vì thế mà tình cảm vơi đi. Bằng chứng là ánh mắt vẫn quấn quýt với ánh mắt đấy thôi.

Hầu như cả năm 2021, mọi người đã kiên trì “chống dịch", giữ vững “pháo đài” vùng xanh, nay trở lại sống bình thường mới, ai cũng muốn vừa vui Xuân vừa giữ "sạch" không gian sống an toàn cho mỗi người, mỗi nhà.

Đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đã thiết lập và vận hành khá thuần thục “bộ máy” phòng, chống dịch nhằm đảm bảo giữ độ mở kinh tế, đồng thời kiểm soát các rủi ro từ dịch bệnh.

Những ngày cuối năm, số ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng tăng đáng kể, nhưng tâm thế trước dịch bệnh đã hoàn toàn khác. Đặc biệt, việc cách ly F1, điều trị F0 tại nhà đã được chính quyền áp dụng và xã hội chấp nhận. Tâm lý kỳ thị, xa lánh người nghi nhiễm đã không còn là phổ biến. Và chúng ta đều quyết tâm làm tất cả để có một năm mới tốt đẹp hơn, trong đó quy tắc 5K là giải pháp tiên quyết.

Thong dong dạo phố, theo đường Trần Hưng Đạo, rẽ ra đường Phan Đình Phùng, chạy cắt qua tổ hợp thương mại Vincom- biểu trưng mới cho sự phát triển mạnh mẽ về thương mại của Kon Tum, là ra đến cặp đôi cầu Đăk Bla. Trong nắng xuân phơi phới, gió sông ve vuốt trên mặt mà thầm cảm thán khi nghĩ về lịch sử của cây cầu nổi tiếng nhất Kon Tum.

Theo như tư liệu lịch sử còn lưu giữ, từ cuối thế kỷ 19, đã có một cầu gỗ bắc qua sông Đăk Bla. Đến tháng 7/1932, chiếc cầu thứ 2 được xây dựng nhưng bị lũ cuốn trôi sau ít tháng. Phải đến năm 1935, cây cầu thứ 3 bằng gỗ mới được làm xong và đặt tên là cầu Molini- tên của người kỹ sư thiết kế xây dựng cây cầu. Tuy nhiên, đến năm 1952, một cơn lũ lớn đã nhấn chìm cây cầu này.

Sau nhiều năm qua sông bằng đò ngang, đến cuối thập niên 50 của thế kỉ 20, một chiếc cầu sắt kiên cố  mới được xây dựng, người dân thường gọi là cầu sắt. Cây cầu này gắn bó với đất và người Kon Tum cho đến ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại (tháng 8/1991).

Cây cầu thứ 5- cây cầu quan trọng nhất đối với thành phố Kon Tum nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung, dài 174,45m, rộng hai làn xe, được khởi công xây dựng ngày 2/11/1991 và hoàn thành vào ngày 2/9/1992. Dọc lan can cầu được trang trí hình ảnh cồng chiêng, như luôn sẵn sàng tấu lên điệu nhạc rộn rã chào mừng khách phương xa đến với thành phố.

Tháng 9/2009, cầu Đăk Bla mới được xây dựng song song với cầu Đăk Bla cũ, dài 214m, rộng 12,5m. Kết hợp với hệ thống bờ kè trên sông Đăk Bla và đường Hồ Chí Minh, bộ đôi cầu Đăk Bla trở thành điểm nhấn cảnh quan cho thành phố Kon Tum.

Ngoài 2 cây cầu Đăk Bla đã trở thành niềm tự hào của người dân phố núi, trên sông Đăk Bla, từ xã Đăk Blà đến Đoàn Kết, Vinh Quang có thêm 5 cây cầu đã và đang được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Những cây cầu hoành tráng này sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị, mở rộng không gian đô thị của thành phố Kon Tum theo quy hoạch, khai thác tiềm năng quỹ đất để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, dù mới hoàn thành, cây cầu treo dây văng hiện đại đi qua Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với giới trẻ.

Và tương tự, để vào trung tâm thành phố Kon Tum, du khách có thêm nhiều lựa chọn hơn ngoài Quốc lộ 14, khi có hai “cánh cửa” được mở rộng là tuyến tránh thành phố Kon Tum và tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24.

Từ đèo Sao Mai, ta có thể theo Quốc lộ 14 vào trung tâm thành phố, nếu không muốn, hãy rẽ vào tuyến đường tránh dài hơn 24,8km, như dải lụa uốn lượn, hai bên là chập chùng núi đồi, xanh mướt cao su, cà phê, vườn tược; hoặc theo tuyến giao thông kết nối Quốc lộ 24 với đường Hồ Chí Minh, phong cảnh như tranh thủy mặc.

Cứ như anh bạn thi sĩ miêu tả thì đi trên phố ngày xuân, nếu hít thở thật sâu, sẽ cảm nhận được một mùi thơm rất dịu dàng của hoa, hoà với hương đồng cỏ nội được gió trời đưa về từ núi đồi bao la. Và khi ấy, sẽ thấy sinh khí len khắp nhựa cây mạch đất và thấm cả vào trong da trong thịt.

Vậy thì còn nghi ngại gì nữa? Hãy cùng nhau thong dong trên phố trong chiều xuân đắm say lòng người này đi.


https://www.baokontum.com.vn/toa-soan-ban-doc/thong-dong-tren-pho-cung-xuan-22468.html

Theo LÊ HẢI (baokontum)

Có thể bạn quan tâm