Một lần chiếu phim ở Đak Tơ Kan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồi Gia Lai-Kon Tum còn chung tỉnh, 2 huyện xa nhất là Đak Glei ở phía Bắc và Krông Pa phía Nam. Muốn đi công tác về 2 huyện ấy nếu là sếp thì có xe U oát, còn nhân viên thì đón xe I-fa. Thời gian lên đến nơi thường là 2 ngày. Giáp huyện Đak Glei là huyện Đak Tô. Huyện Đak Tô hồi ấy rất lớn, giờ chia ra đến mấy huyện. Không xa bằng Đak Glei, nhưng huyện Đak Tô lại có mấy xã cực kỳ khó đi, khó vào. Đak Tơ Kan là một xã như thế.

Trưởng ty Văn hóa Thông tin Gia Lai-Kon Tum thời ấy là chú Trịnh Kim Sung, ông kiêm nhiệm Trưởng ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh. Chú Tâm-Trưởng ban Tuyên huấn Liên đoàn Lao động tỉnh là Phó ban. Anh Đinh Hùng Việt là cán bộ của Ban Tuyên huấn Liên đoàn, chơi với tôi vì anh là thường trực của tờ báo Công nhân Gia Lai và tôi thường xuyên cộng tác.

Một hôm chú Sanh bảo: Mình đi công tác Hùng nhé, đi Đak Tơ Kan. Tôi mừng quá. Hồi ấy trẻ, tôi toàn lủi xuống làng mỗi khi cơ quan rỗi việc, thậm chí chả rỗi cũng trốn đi, lang thang một mình. Huống gì giờ được đi với sếp. Cũng chả biết đi với tư cách gì. Sau mới biết với tư cách HĐND.

Cái xe U oát tải mượn của Công ty Phát hành sách. Trên ca bin là lái xe và chú Sanh (tức Sung, tên thật là Sung nhưng gọi chệch thành Sanh), chú Tâm. Sau thùng xe là tôi, anh Việt, một cậu chiếu phim. Giờ ít người hình dung cái U oát tải nó như thế nào, chứ ngày xưa, nó là thiên đường cho những chuyến xuống làng. Ngoài chuyện nó khỏe, 2 cầu, nó còn chở được nhiều người (giờ mà chở thế bị phạt chết), và quan trọng, khi về, dưới sàn xe la liệt gạo, bắp, cám… các loại cho người và cho heo.

Và hóa ra nhiệm vụ được phân công trên xe như sau: Lên đến nơi, sẽ chiếu phim cho bà con xem. Cậu nhân viên chiếu bóng sẽ phụ trách máy chiếu, người thuyết minh là tôi. Tôi vẫn thường thuyết minh thuê cho các đội chiếu bóng lưu động rồi nên chuyện này là… muỗi. Vấn đề là, cái bản thuyết minh bằng giấy pơ luya mỏng tang và kê đến mấy lần giấy than ấy, nhòe nhoẹt nước mưa. Tóm lại là, tôi phải tự xoay.

Thời ấy cũng chả như bây giờ là điện thoại trước, mà cứ đi thôi. Đến đâu tính đấy.

Từ Tân Cảnh vào Đak Tơ Kan phải qua một con dốc gần như dựng đứng. Nghe nói ngày xưa đi bộ qua con dốc này phải nghỉ đúng 15 lần, còn lần này, con U oát, thứ xe Liên Xô chế tạo chuyên để đi rừng, lên đến giữa dốc thì… hết số phải dừng lại. Tất cả chúng tôi phải xuống đẩy thì nó mới ậm ạch bò tiếp.

Đi từ sáng sớm, tối nhọ nhẹ thì tới làng. Người Xê Đăng ở rất cao và đường lên nhà rất cheo leo, hiểm trở. Nghe nói trong các dân tộc bản địa Tây Nguyên thì người Xê Đăng thiện chiến nhất, ngay cái cách chọn chỗ làm nhà như một pháo đài đã là đầy kinh nghiệm chinh chiến rồi. Lái xe, nhân viên chiếu bóng, anh Việt và tôi căng phông đặt máy để chuẩn bị cho buổi chiếu ở ngay sân cái trường học mà chúng tôi xác định là tối sẽ ngủ ở đấy. Chú Sanh và chú Tâm đi… ngoại giao cơm chiều vì ngày xưa các ông có hoạt động vùng này. Trời mưa lật sật, chúng tôi kê máy chiếu ngay trên thùng xe, căng phông, bật điện và tôi bắt đầu… a lô thông báo chương trình.

Gần tiếng đồng hồ sau thì chú Tâm quần xăn móng lợn ra kêu chúng tôi ăn cơm. Leo con dốc đặt vừa bàn chân trơn như đổ mỡ, chúng tôi vào nhà ông cựu Bí thư xã. Cơm gạo bọc thép ăn với muối ớt. Nghe nói rồi nhưng lần đầu tiên tôi ăn món này. Nó cứng hơn cả bo bo thời sinh viên chúng tôi ăn ở Huế, màu đỏ. Chú Sanh và chú Tâm bày cho chúng tôi ăn: Nhai thật chậm, kỹ, dăm bảy hạt một lần, khi nó kỹ rồi thì sẽ rất ngon, bùi và ngọt. Tóm lại nếu mà ăn kiểu như thế thì đến… sáng mai mới xong bát cơm nên chúng tôi lống láo cho hết phần cơm trong bát rồi lại tụt dốc ra sân chiếu phim.

Mưa, nhưng từng tốp người vẫn đốt đuốc từ bốn phía tụ tập về sân trường. Tôi nhớ chúng tôi chiếu 2 bộ phim, một hoạt hình và một phim truyện, đều của Liên Xô, và tôi khắc phục tình trạng cuốn thuyết minh bị rách, mất trang và ướt bằng cách… dịch trực tiếp, mà gọi chính xác là, phịa trực tiếp. Thế mà rồi cũng… xong 2 bộ phim trong mưa, bà con cứ túm tụm ngồi, ba bốn người một cụm dưới miếng ni lông hoặc bất cứ thứ gì che được. Lúc kết thúc là đã hơn 10 giờ đêm.

Giờ Đak Tơ Kan thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tôi vừa được đi qua cái dốc phải đẩy xe U oát dạo nào. Đi hết dốc mới biết và dừng xe quay lại, giờ nó là con đường thoai thoải chứ không còn dựng đứng. Cái thời chung tỉnh, tưởng gần, nhưng lại rất xa, như cái đận chúng tôi đi Đak Tơ Kan ấy, trọn ngày mới tới. Giờ chia tỉnh, lại hóa ra lại gần, hơn 3 tiếng đồng hồ đã có thể ngẩng đầu nhìn mây bay ở đèo Măng Rơi từ thung lũng Đak Tơ Kan. Ba trong những người tham gia chuyến đi ấy đã mãi mãi đi xa là chú Sanh, chú Tâm và anh Việt. Ở nơi thật xa ấy, có khi họ cũng đang hồi ức về đêm Đak Tơ Kan ngày nào…

 

 VĂN CÔNG HÙNG
 

Có thể bạn quan tâm