Giá cà phê Robusta Đắk Lắk giảm xót cả ruột, trồng chuối trong vườn cà phê có lợi bất ngờ, vì sao vậy?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ sau 3 ngày, giá cà phê Rosbusta Đắk Lắk rớt 900 đồng/kg, nhiều người xót hết cả ruột. Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay chỉ còn ở mức hơn 40.000 đồng/kg. Trồng chuối trong vườn cà phê, nhiều nông dân bất ngờ thấy có lợi, vì sao vậy?
Giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay tiếp tục giảm, vì sao vậy?
Sau 2 ngày giảm sâu, mất 800 đồng/kg, giá cà phê Robusta Đắk Lắk hôm nay tiếp tục giảm thêm 100 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cà phê Đắk Lắk thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. So với 1 tháng trước, giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk mất 1.400 đồng, được mua ở mức 40.600 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk liên tục giảm trong 3 ngày qua. Đồ họa: Duy Hậu
Giá cà phê Robusta Đắk Lắk liên tục giảm trong 3 ngày qua. Đồ họa: Duy Hậu
Các tỉnh Tây Nguyên còn lại giá cà phê Robusta có nơi chỉ còn được mua với giá thấp hơn 40.000 đồng/kg. So với Đắk Lắk, giá cà phê Robusta tại Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được mua thấp hơn, đạt 40.500 đồng/kg. Riêng tỉnh Lâm Đồng, cà phê được mua thấp nhất, đạt 39.800 đồng/kg.
Nhận định về sự biến động của thị trường cà phê Robusta trong những ngày qua, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho rằng: "Giá cà phê giảm là do nhu cầu bán ra của người dân tăng cao".

Vườn cà phê tái canh của gia đình ông Huy được trồng xen cây chuối phát triển rất tốt. Ảnh: Duy Hậu
Vườn cà phê tái canh của gia đình ông Huy được trồng xen cây chuối phát triển rất tốt. Ảnh: Duy Hậu
Ông Minh lý giải, giáp Tết là thời gian nhu cầu mua sắm tăng cao. Do đó, việc người dân đổ xô bán cà phê là điều tất yếu. 
"Nông dân phải lo hàng trăm thứ trong dịp Tết, trong đó có cả việc chuẩn bị để đầu tư cho cà phê vào vụ tới. Vì thế, hàng năm vào thời điểm này, giá cà phê đều giảm"- ông Minh nói.
Ông Minh nhận định: "Nếu không thực sự cần thiết, theo tôi người dân chưa nên vội bán cà phê. Vì theo nhận định, giá cà phê sẽ tăng thêm hoặc đi ngang chứ không giảm thêm. Do đó, nếu có điều kiện, nông dân nên chờ thời điểm cà phê có giá tốt hơn rồi mới bán".
Trồng chuối trong vườn cà phê-nông dân bất ngờ với hiệu quả kinh tế mang lại
Nhiều năm qua, nhiều người dân tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã trồng chuối trong vườn cà phê (chủ yếu là cà phê tái canh). Ông Nguyễn Văn Huy, một nông dân áp dụng mô hình trồng chuối trong vườn cà phê cho biết, trồng chuối trong vườn cà phê tái canh mang nhiều hiệu quả tích cực.

Cây chuối trồng trong vườn cà phê của gia đình ông Đãi (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk)) vừa làm cây che bóng, vừa giúp chất lượng đất được cải thiện. Ảnh: Duy Hậu
Cây chuối trồng trong vườn cà phê của gia đình ông Đãi (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk)) vừa làm cây che bóng, vừa giúp chất lượng đất được cải thiện. Ảnh: Duy Hậu
Theo ông Huy, việc trồng chuối trong vườn cà phê trước tiên giúp gia đình đỡ tốn công làm cỏ. Cây chuối giúp đất giữ độ ẩm tốt nên vườn cà phê của ông cũng ít tưới nước hơn. 
Ngoài ra, cây chuối được trồng bao quanh vườn cà phê, giúp vườn cây tránh được sự xâm nhập có hại từ môi trường bên ngoài.
"Trên lô cà phê, gia đình tôi trồng chuối làm cây che bóng cho cà phê tái canh. So với trước đây, cách làm này giúp cho vườn cà phê của tôi giảm đáng kể lượng nước tưới. Cây cà phê ít vàng lá, thối rễ. Ngoài ra, gia đình cũng giảm được nhiều chi phí khác mà cây cà phê phát triển rất tốt"- ông Huy nói.

Trong thời gian chờ thu hoạch cà phê, cây chuối giúp nông dân giảm bớt áp lực về tài chính. Ảnh: Duy Hậu
Trong thời gian chờ thu hoạch cà phê, cây chuối giúp nông dân giảm bớt áp lực về tài chính. Ảnh: Duy Hậu
Ông Vũ Minh Đãi, một nông khác áp dụng mô hình trồng chuối trong vườn cà phê, chia sẻ: "Trước khi tái canh cà phê, gia đình tôi trồng chuối để cải tạo đất và thấy rất hiệu quả. Môi trường và chất lượng đất được cải thiện một cách rõ rệt. Đất sau khi được cải tạo bằng cách trồng chuối, cây cà phê trồng vào phát triển rất tốt".
Ông Đãi chia sẻ thêm, đối với những cây cà phê chết do thối rễ, gia đình ông cũng trồng chuối vào hố trước khi trồng dặm trở lại. Việc làm này đã giúp cây cà phê trồng dặm phát triển nhanh chóng và sạch bệnh.
"Cây chuối thu hoạch sau 9 tháng. Đây là nguồn thực phẩm sạch. Chuối dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất trung bình đạt 30-50 tấn/ha. Đây là nguồn thu không nhỏ giúp nông dân chúng tôi có thêm thu nhập trong thời gian chờ thu hoạch cà phê"- ông Nguyễn Văn Huy nói.
Việc trồng chuối trong vườn cà phê tái canh giúp gia đình ông Huy giảm được ít nhất 30% chi phí (nhờ nguồn thu từ cây chuối và giảm bớt được các chi phí nước tưới, phân bón, làm cỏ...).
"Trước đây, khi trồng cà phê, gia đình bón phân rất nhiều nhưng cây lúc nào cũng trong tình trạng cằn cỗi. Từ khi áp dụng mô hình này, đất đai được cải thiện rất đáng kể, vườn cà phê phát triển nhanh, tươi tốt"- ông Nguyễn Văn Huy cho biết.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)

https://danviet.vn/gia-ca-phe-robusta-dak-lak-giam-sot-ca-ruot-trong-chuoi-trong-vuon-ca-phe-co-loi-bat-ngo-vi-sao-vay-2022010718243843.htm

Có thể bạn quan tâm