Cây nêu của người Jarai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gắn với các lễ hội dân gian, mỗi DTTS ở tỉnh ta đều có cây nêu, cơ bản mang những nét tương đồng song cũng chứa đựng sự độc đáo riêng, làm thành bản sắc, niềm tự hào của mỗi cộng đồng. Cây nêu của người Gia Rai ở làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy thể hiện nét đẹp đa dạng như thế.
Theo già A Bleng ở làng Ba Rgốc, cây nêu của người Gia Rai ở vùng núi gần biên giới phía Tây của tỉnh được coi là vật thiêng, là linh hồn lễ hội. “Không thể tùy tiện muốn làm là làm được đâu! Chỉ vào những dịp có lễ hội lớn ở nhà rông hay lễ hội có ăn trâu, ăn dê của làng và gia đình thì mới dựng cây nêu” - già A Bleng cho hay. Cây nêu của người Gia Rai khá đa dạng về hình dáng, được dựng lên trong những bối cảnh khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau.
Chúng tôi về Ba Rgốc đúng lúc bà con tập trung làm cây nêu để chuẩn bị cho lễ cầu an, chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới. Ở sân nhà rông, già làng A Sưp trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các bạn trẻ khẩn trương hoàn tất các công đoạn cần thiết như gốc nêu, thân nêu, cành nêu trước khi cây nêu được dựng lên. Bên hông nhà có bóng mát của một người dân gần đó, ông A Dưm (62 tuổi) ngồi tỉ mỉ quét sơn lên chiếc khung ngang bằng hai màu đen, đỏ. Đen, đỏ, trắng là ba màu chủ đạo thường được dùng để vẽ lên cây nêu cũng như trang trí trong nhà rông, nhà sàn và các vật dụng lên quan đến lễ hội của người Gia Rai.
 
Cây nêu “cao” trong lễ mừng lúa mới của dân làng Ba Rgốc. Ảnh: T.N
Cây nêu “cao” trong lễ mừng lúa mới của dân làng Ba Rgốc. Ảnh: T.N
Theo già A Lem – một người am hiểu văn hóa truyền thống và rất có uy tín trong cộng đồng, cây nêu gồm hai loại chính, dù là nêu “cao” hay nêu “thấp” đều được làm từ các nguyên liệu chủ yếu gồm: Cây le (a le), cây lồ ô (drao), dây mây (ha vay). Cây nêu cao từ 5-7m đến trên 10m, ở giữa có cột chính cao vút được trang trí bằng các vòng tròn gắn nan bông tượng trưng cho bông lúa (brui). Trên ngọn cây nêu được gắn hình chùm mũi tên nhỏ hướng lên trời cao. Mừng lúa mới gắn với ăn trâu, ăn dê trong mỗi gia đình hay quy mô cộng đồng tại nhà rông thì đều dựng cây nêu này. Cây nêu thấp (phổ biến 3-4m), trụ chính ở giữa chỉ cao hơn thân nêu một đoạn nhưng không có ngọn cao, thường được dựng trong những lễ hội như mừng nhà rông mới, sửa nhà rông, cầu an, mừng nước giọt, lễ ăn trâu trong gia đình…
 Với người Gia Rai, đơn giản, dễ làm và gần gũi nhất là những cây nêu thấp, phổ biến dùng trong các lễ hội tại nhà rông và ở gia đình. Thân nêu dựng trong lễ ăn trâu gọi là “gâng” pao, cây nêu dựng trong lễ mà con dê là vật hiến tế gọi là “gâng” pe. Gâng được làm bằng 4 cột gỗ đẽo tròn, đường kính gốc cột chừng 10-15cm, được điểm tô bằng những đường viền màu đen, đỏ. Có khi, thân nêu cũng được làm tới 8 cột thể hiện sự vững chãi, sung túc. Gắn vào thân nêu là các dây nêu (lây la) được làm từ cây le nhỏ có dáng như những chiếc “cần câu” mềm mại. Thân nêu đẹp, sinh động và hấp dẫn nhờ trên những chiếc cần câu được gắn vào các hình nan bắt mắt như bông lúa (brui), nan dẹp (reng ech), nan đuôi cá (ku kreng)... Gốc nêu, ở chỗ nổi trên mặt đất, có gắn một đoạn dây buộc trâu (hay dê) một đầu hình chiếc thòng lọng được bện kỹ lưỡng, chắc chắn bằng dây mây, gọi là bró.
 
Dựng cây nêu trong lễ ăn trâu. Ảnh: TN
Dựng cây nêu trong lễ ăn trâu. Ảnh: TN
Cây nêu cao ở giữa có ngọn chính được người Gia Rai dựng chủ yếu trong lễ mừng lúa mới. “Cách dựng cây nêu cao cũng tương tự như dựng cây nêu thấp, chỉ khác ở chỗ là từ tâm điểm của thân nêu tính từ gốc nêu lên, có một cột nêu chính cao vút được trang trí đẹp không thể thiếu nhiều hình nan brui” - ông A Oát (54 tuổi), trưởng thôn Ba Rgốc giải thích thêm. Cây nêu cao trong lễ mừng lúa mới thường cao 7-8m, có khi tới trên 10m. Trong đó, cột nêu được làm từ một cây lồ ô thẳng tắp được chọn rất kỹ, được trang trí theo hình vòng tròn gồm 8-9 tầng bằng những bông le chẻ chuốt xốp nhẹ, tượng trưng cho bông lúa tung bay.
Ngày trước khi dựng nêu, bà con đã tập trung chuẩn bị vật liệu và mất nhiều thời gian, công sức để làm hình nan trang trí. Lễ dựng cây nêu thường được tổ chức vào buổi chiều. Trước khi bắt tay vào việc, già làng cùng các vị cao niên trong trang phục dân tộc tập trung mọi người ở nhà rông. Già làng làm chủ lễ, tự tay cắt tiết gà, pha với rượu để sẵn.  Ông cùng một nam giới khỏe mạnh, có uy tín khác quỳ bên hố nêu đã được đào sẵn, giữ im lặng tuyệt đối. Dùng tấm choàng che kín, già làng cầm bát tiết gà quay tròn quanh hố nêu 6 vòng ngược chiều kim đồng hồ, sau đó quay lại một vòng rồi đổ xuống hố. Sau nghi lễ, các bạn trẻ được hướng dẫn lần lượt chôn 4 cột gâng cho chắc, dùng khung ngang (đa hơ gâng) để cân chỉnh, giữ thân nêu thật vững vàng, trước khi cắm những cành nêu đã được gắn hình nan, bông le vào.
Ngoài ra, người Gia Rai còn làm những “nhành nêu” cỡ nhỏ để trang trí, làm phong phú hơn sắc màu sự kiện văn hóa dân gian. Những nhành nêu này đơn giản được làm bằng những cành le, hay cây lồ ô được chẻ ra, dài chừng 2-3m. Trong đó, trước tiên phải kể đến là nhành nêu hình đuôi cá (ku kreng) gắn tấm nan hình nhái (ji krõ) đặc trưng cắm ở trước nhà rông, báo hiệu làng có lễ hội lớn. Bên cạnh đó là những nhành nêu với những tấm nan hình vuông, hình thoi (leng lep), bông bay (brui) cắm ở trong sân hay hàng rào như tín hiệu báo tin vui. Đáng lưu ý, các lễ hội có cúng dê, heo, gà không bắt buộc phải dựng cây nêu, nhưng vẫn không thể thiếu những cành nêu trang trí này.
Theo phong tục của người Gia Rai, sau khi dựng cây nêu, đêm đó, bà con thức “khóc trâu”, để đến sáng hôm sau mới chính thức bắt tay vào lễ “ăn trâu” và các nghi lễ đặc trưng của lễ hội chính. Vì vậy, tận tâm tận lực làm nên cây nêu thật đẹp, thật như ý chính là mong muốn đầu tiên của dân làng gửi gắm đến thần linh về cuộc sống an yên, no ấm, hạnh phúc.        
Thanh Như (Báo Kon Tum)

Có thể bạn quan tâm