Nông dân Đà Lạt 'méo mặt' vì dùng chế phẩm diệt côn trùng phun cho hoa cúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục hộ nông dân ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) lâm cảnh khổ khi sử dụng chế phẩm diệt côn trùng phun trên cây hoa cúc khiến cây bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng.

Một hộ nông dân phải nhổ bỏ vườn hoa vì xịt thuốc diệt côn trùng khiến cây bị hư hỏng. Ảnh: Gia Bình
Một hộ nông dân phải nhổ bỏ vườn hoa vì xịt thuốc diệt côn trùng khiến cây bị hư hỏng. Ảnh: Gia Bình
Ngày 30.9, ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Lâm Đồng, cho biết đơn vị đang phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tỉnh kiểm tra xử lý đối với Cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) Vân (P.11, TP.Đà Lạt) trong việc bán thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP cho nông dân sử dụng trên cây hoa cúc.
Trước đó, Chi cục TT-BVTV nhận được phản ánh của người dân trồng hoa cúc tại P.11 khi họ sử dụng thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP (hiệu RAY REP 700WP), ngày sản xuất 8.5.2021, hạn sử dụng 2 năm của Công ty CP quốc tế nông nghiệp AMAZONE phân phối qua cửa hàng VTNN Vân (do bà Ngô Thị Kim Vân làm chủ) phun trên cây hoa cúc gây thiệt hại khoảng 2,6 triệu cây (khoảng 3,7 ha).

Mặt trước bao bì gói thuốc diệt côn trùng nông dân dùng sử dụng cho hoa cúc. Ảnh: Gia Bình
Mặt trước bao bì gói thuốc diệt côn trùng nông dân dùng sử dụng cho hoa cúc. Ảnh: Gia Bình

Mặt sau gói thuốc mà nông dân dùng sử dụng cho hoa cúc. Ảnh: Gia Bình
Mặt sau gói thuốc mà nông dân dùng sử dụng cho hoa cúc. Ảnh: Gia Bình
Theo phản ánh, số thuốc trên các hộ dân mua vào khoảng tháng 6.2021, khi phun xong khoảng 3 – 5 ngày sau thì thấy lá non có hiện tượng cháy các viền mép lá, đọt có hiện tượng thun lại. Chi cục TT-BVTV kiểm tra thực tế tại vườn hoa cúc đang ở giai đoạn thu hoạch của một nhà dân, thấy cây sinh trưởng, phát triển không đều, giống như người dân phản ánh và không trổ bông, tỉ lệ cây bị thiệt hại khoảng 70%.
“Chi cục cũng làm việc với Cửa hàng VTNN Vân và bà Vân xác nhận có bán thuốc diệt côn trùng hiệu nói trên cho khoảng 30 hộ dân trồng hoa cúc tại địa phương. Số thuốc trên, bà Vân mua trực tiếp của Công ty CP quốc tế nông nghiệp AMAZONE”, ông Chiến cho biết.

Có khoảng 30 hộ nông dân ở P11, TP.Đà Lạt mua thuốc diệt côn trùng nói trên để xịt cho hoa cúc bị thiệt hại. Ảnh: Gia Bình
Có khoảng 30 hộ nông dân ở P11, TP.Đà Lạt mua thuốc diệt côn trùng nói trên để xịt cho hoa cúc bị thiệt hại. Ảnh: Gia Bình
Cũng theo ông Chiến, trong các gói thuốc hiệu nói trên có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl đã bị loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam của Bộ NN-PTNT từ tháng 2.2019; tuy nhiên trên bao bì gói thuốc này có ghi rõ: sản phẩm được đăng ký trong danh mục Bộ Y tế để phòng trừ muỗi.
“Công ty AMAZONE có đầy đủ căn cứ pháp lý để bán thuốc này. Tuy nhiên, chỗ Cửa hàng VTNN Vân thì có sai vì chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định để được phép bán thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP (hiệu RAY REP 700WP) này. Chúng tôi đang phối hợp với ngành y tế để làm rõ một số vấn đề có liên quan để xử lý”, ông Chiến cho hay.

Chi cục TT-BVTV Lâm Đồng đang phối hợp với ngành Y tế kiểm tra các vấn đề liên quan để xử lý. Ảnh: Gia Bình
Chi cục TT-BVTV Lâm Đồng đang phối hợp với ngành Y tế kiểm tra các vấn đề liên quan để xử lý. Ảnh: Gia Bình
Từ sự việc trên, cuối tháng 8.2021, Sở NN-PTNT Lâm Đồng có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tuyên truyền phổ biến, khuyến cáo nông dân và các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn không được buôn bán, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và tăng cường kiểm tra để xử lý. Sở NN-PTNT cũng đề nghị Sở Y tế, Cục quản lý thị trường Lâm Đồng phối hợp cùng đơn vị để xử lý các trường hợp vi phạm.
“Các chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả phòng trừ dịch hại trên cây trồng nên khả năng gây ngộ độc cây trồng và thiệt hại cho sản xuất”, văn bản của Sở NN-PTNT Lâm Đồng nêu.
Theo Gia Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm